Phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam: Xu hướng tất yếu

(vasep.com.vn) Ngành tôm từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp và thủy sản Việt Nam. Với vị thế là một trong bốn quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 3 các nước xuất khẩu tôm hàng đầu toàn cầu, ngành tôm không chỉ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang phát triển xanh không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu sống còn để ngành tôm Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chú thích ảnh

 

Thực trạng ngành tôm Việt Nam: Những thành tựu và Thách thức

Sản xuất tăng trưởng: Diện tích nuôi tôm tăng 5%/năm, sản lượng tăng 8,4%/năm. Tôm chân trắng tăng mạnh (82% trong 5 năm), trong khi tôm sú giảm nhẹ.

Về XK, tôm thẻ chân trắng chiếm ưu thế với mức tăng trưởng 7%/năm. Tôm đông lạnh chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch.

Tôm Việt Nam được XK tới hơn 100 thị trường trên thế giới trong đó có những thị trường lớn và yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada…Việt Nam có thế mạnh trong chế biến tôm giá trị gia tăng, xuất khẩu mạnh sang Mỹ, EU, Nhật Bản.

Cả nước hiện có hơn 750.000ha nuôi tôm thì đã có trên 200.000ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp, như tôm - rừng, tôm - lúa, trong đó có hàng chục nghìn hecta tôm nuôi theo hướng này được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã tỏ rõ những ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính.

Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước đạt 737.000 ha . Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 1.264.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 . Giá trị xuất khẩu của tôm nước lợ trong năm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 14%.

2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 605 triệu USD, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm 2024. Sự phục hồi của một số thị trường chính, Mỹ, Nhật Bản, EU, việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt chính sách của các thị trường là cơ hội cho tôm Việt “bứt phá” trong năm 2025.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, ngành tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó dịch bệnh là một trong những mối lo ngại hàng đầu, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người nuôi .... Các loại dịch bệnh phổ biến hiện nay như TPD, EHP, hoại tử cơ IMNV…. Bên cạnh đó, áp lực từ các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm và tính bền vững môi trường đòi hỏi ngành tôm phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng xanh.

Định hướng chính sách quốc gia về phát triển xanh trong thủy sản

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản thông qua hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng. Các văn bản này tạo hành lang pháp lý và định hướng cho việc xanh hóa ngành tôm, bao gồm:

NQ ĐH Đảng XIII, Chiến lược phát triển KTXH 2021 – 2030: Đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho toàn bộ nền kinh tế.

NQ 26-NQ/TW ngày 03/11/2022: liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có chú trọng đến phát triển bền vững ngành thủy sản.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như QĐ 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, QĐ 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, QĐ 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, QĐ 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024, QĐ 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, QĐ 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022, và QĐ 222/QĐ-TTg ngày 23/01/2025.

Các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như QĐ 687/QĐ-BNN-TS ngày 05/02/2021, QĐ 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2022, QĐ 4441/QĐ-BNN-KHCN ngày 13/12/2024...

Các văn bản này tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như:

Áp dụng các đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chế biến và kinh doanh nông lâm, thủy sản ....

Xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Thúc đẩy sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản từ phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi, quy trình nuôi tuần hoàn nguồn nước, và công nghệ tái chế phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng....

Giải pháp công nghệ nuôi tôm thân thiện với môi trường

Để hiện thực hóa các định hướng chính sách về phát triển xanh, nhiều giải pháp công nghệ và quy trình nuôi tiên tiến đã và đang được triển khai trong ngành tôm Việt Nam như Công nghệ Biofloc, Công nghệ Micro-Nano Bubble Oxygen, Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), Quy trình nuôi ba giai đoạn, giảm chất thải…

Ứng dụng chế phẩm sinh học: Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm và ức chế các vi khuẩn gây bệnh đang trở thành một xu hướng quan trọng trong nuôi tôm bền vững ....

Qui trình sinh học MP BIO của công ty Minh Phú là một ví dụ điển hình, tập trung vào việc sử dụng vi sinh đối kháng, Tạo Biofloc làm thức ăn, kiểm soát môi trường và các biện pháp tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm, đồng thời không sử dụng Chlorine trong xử lý nước .... Quy trình này chú trọng vào việc tạo nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng từ tảo và Biofloc, cũng như việc lên men thức ăn bằng vi sinh vật để tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng cho tôm....

Kinh tế tuần hoàn trong chế biến tôm: Mục tiêu đến năm 2030 là tái sử dụng 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm (như vỏ tôm, râu tôm, nước thải, bùn thải) để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như Chitin, Chitosan .... Quyết định 4441/QĐ-BNN-KHCN ngày 13/12/2024 cũng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng và phê duyệt dự án khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2030.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tăng cường liên kết ngành

Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học từ các quốc gia có ngành tôm phát triển bền vững như Ecuador. Ecuador đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu tôm nhờ vào sản lượng lớn, tăng trưởng mạnh sang các thị trường quan trọng như Trung Quốc và Mỹ. Những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo như:

Đầu tư vào nghiên cứu và lai tạo giống tôm nội địa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện nuôi trong nước để giảm sự phụ thuộc vào giống nhập khẩu.

Xem xét áp dụng các mô hình nuôi bền vững, ít thâm canh hơn ở những khu vực phù hợp, kết hợp với các giải pháp sinh học để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm.

Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi để xây dựng chuỗi cung ứng đồng bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Linh hoạt hơn trong chiến lược sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu tôm nguyên liệu.

Thống nhất mục tiêu phát triển ngành và tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan để nâng cao vị thế của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, việc xanh hóa ngành tôm không chỉ là một xu hướng mà là một con đường tất yếu để ngành tôm Việt Nam có thể phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách, công nghệ, quy trình nuôi và tăng cường hợp tác sẽ là chìa khóa để ngành tôm Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành công to lớn hơn nữa trong tương lai.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm