Tổng quan ngành hải sản

I. Tổng quan

Biển Việt Nam có các loài thủy sản phong phú. Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hải sản, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 3,95 triệu tấn, suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,4%). Khả năng khai thác cho phép trung bình ước tính khoảng 2,45 triệu tấn/năm (dao động trong khoảng 2,27 đến 2,63 triệu tấn), trong đó, nhóm nguồn lợi tầng đáy đã chạm ngưỡng giới hạn; nhóm cá nổi (cá nổi lớn và cá nổi nhỏ) vẫn nằm trong giới hạn khai thác cho phép, một số nhóm nguồn lợi ở các vùng biển vẫn còn tiềm năng khai thác.

Sự phát triển của ngành thủy sản đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng thủy sản. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2024, nước ta có 7391 nghìn tấn thủy sản, trong đó khai thác 3304 nghìn tấn và nuôi trồng 4087 nghìn tấn; tốc độ tăng bình quân là 4,0%, trong đó khai thác tăng 3,1%/năm và nuôi trồng tăng 5,4%/năm.

Sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể tăng dần qua các năm, từ 3.264,1 nghìn tấn năm 2016 lên 3.825,4 nghìn tấn năm 2024, tăng 17,2%, bình quân mỗi năm khai thác được 3730 nghìn tấn. Trong đó, chủ yếu là thủy sản khai thác biển chiếm bình quân 94% tổng sản lượng thủy sản khai thác, trong đó sản lượng của nhóm là các loại thủy sản nổi nhỏ (cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, cá bạc má, cá ba thú) và động vật chân đầu (mực nang, mực ống) có chiều hướng tăng lên, trong khi đó sản lượng nhóm cá đáy giảm đi. Mặc dù, vừa đảm bảo khai thác bền vững và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây ngành khai thác thủy sản biển đã tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU nhưng sản lượng thủy sản khai thác biển cũng tăng lên đáng kể từ 3.070.5 nghìn tấn năm 2016 lên 3.622,7 năm 2024. Có thể thấy rằng, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trong năm 2020-2022, nhưng sản lượng thủy sản khai thác của nước ta vẫn tăng hoặc chỉ giảm nhẹ, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng nhóm cá khai thác biển chiếm 77,7% trong tổng sản lượng khai thác thủy sản biển, trong đó chủ yếu là cá nổi nhỏ và các loại cá ngừ và họ cá ngừ.

Các vùng khai thác quan trọng nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng. Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận là các tỉnh khai thác thủy sản trọng điểm của miền Trung, trong khi đó Kiên Giang là tỉnh đánh bắt chính của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành khai thác, chế biến và XK sản phẩm hải sản Việt Nam phát triển ngành càng mạnh trong thời gian qua, góp phần đáng kể cho tăng trưởng XK hải sản, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ. Xuất khẩu hải sản có xu hướng ngày càng tăng.

Năm 2024, xuất khẩu hải sản Việt Nam chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu đã từ 3,1 tỷ USD năm 2020 lên hơn 4 tỷ USD năm 2024, tăng 30%.

Các sản phẩm hải sản XK của Việt Nam ngày càng đa dạng. Các sản phẩm như cá ngừ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và surimi hiện có doanh số XK ngày càng cao.

II. Thị trường NK hải sản Việt Nam năm 2024

Trong 5 năm qua, các sản phẩm hải sản của Việt Nam đã được XK sang hơn 150 thị trường trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc &HK, Hàn Quốc, EU và Thái Lan là 6 thị trường NK hải sản chính của Việt Nam, luôn chiếm trên 78% tổng giá trị XK hải sản.

 

 

 

 

TS. Hồ Quốc Lực

Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta.