Xuất khẩu cá ngừ bứt phá cuối năm 2021

(vasep.com.vn) Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm sau khi sụt giảm trong quý III/2021, đưa tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2021 lên hơn 759 triệu USD, tăng 17% so với năm 2020.

Chú thích ảnh

Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đã phải đối mặt hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch. Nếu như năm 2020 ngành cá ngừ “lao đao” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường XK chủ lực thì năm 2021, từ quý 3, tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và xuất khẩu cá ngừ.

Trong quý 3, các doanh nghiệp thuỷ sản nói chung, và cá ngừ nói riêng đã phải chịu tác động nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư khi phải thực hiện giãn cách xã hội, sau đó dịch lây lan nhanh và mạnh tại các tỉnh phía nam đã làm đứt gẫy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng. Bên cạnh đó, giá cước tàu tăng; các biện pháp phòng chống dịch bệnh làm phát sinh thêm những khoản chi phí mà DN không thể lường hết được đã làm cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của DN gặp nhiều khó khăn.

Cả quý III/2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 165 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng liên tục trong 3 tháng cuối năm. Sau khi tăng mạnh 51% trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ tháng 12 tiếp tục tăng 61%, đạt trên 87 triệu USD. Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ, trừ cá ngừ đóng hộp, đều tăng so với cùng kỳ.

Sau khi bùng nổ doanh số vào năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường trong năm 2021 giảm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và sản xuất tăng đã đẩy giá cá ngừ đóng hộp thành phẩm lên cao, điều này đã làm giảm nhu cầu NK cá ngừ tại các thị trường. Thay vào đó, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tươi/đông lạnh, loin cá ngừ hấp đông lạnh của các thị trường có xu hướng tăng.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 45% với trên 338 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Riêng trong tháng 12/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng trưởng rất ấn tượng 114% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt gần 42 triệu USD.

Trong khi đó, tại thị trường EU sau khi tăng trưởng khả quan trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã giảm 12% trong tháng 12/2021, đạt trên 11 triệu USD. Theo đó, tính cả năm 2021 xuất khẩu sang EU đạt 144 triệu USD, tăng 6% so với năm 2020.

Đáng chú ý trong khối thị trường này trong tháng 12 là Tây Ban Nha với tốc độ tăng trưởng “phi mã” trong sau khi sụt giảm liên tục trong những tháng trước đó, tăng 149% so với năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trước đó, nên tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này năm 2021 vẫn giảm 9% so với năm 2020, đạt gần 20 triệu USD.

Cùng với Mỹ, XK sang các nước thuộc khối hiệp định CPTPP cũng đã tăng trở lại trong tháng 12. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này trong tháng 12/2021 đạt 9,5 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ  năm 2020. Sự tăng trưởng này có được là do xuất khẩu sang Mexico và Chile tăng mạnh, lần lượt là 306% và 76%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản tiếp tục sụt giảm, lần lượt là 2% và 35%.

Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng đầu năm 2022, khi các ưu đãi về thuế quan tại các thị trường như EU, CPTPP… được khởi động lại. Tuy nhiên, giá cước tàu biển vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên sẽ vẫn tạo áp lực rất lớn cho xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ nói chung, cá ngừ đóng hộp nói riêng.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục