Xuất khẩu cá ngừ 11 tháng tăng 41%

(vasep.com.vn) Sau nhiều tháng tăng trưởng liên tục, xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam đã giảm trong tháng 11/2022, giảm 18%, đạt hơn 64 triệu USD. Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ của Việt Nam đạt 948 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh

Trong cơ cấu XK cá ngừ của Việt Nam, XK thịt/loin cá ngừ đông lạnh tăng mạnh nhất 72%, các sản phẩm cá ngừ chế biến tăng 23%, cá ngừ đóng hộp tăng 3% so với cùng kỳ.

Nhiều thị trường NK cá ngừ của Việt Nam đã giảm NK cá ngừ trong tháng 11 sau khi “ngấm đòn” lạm phát.

Tại Mỹ, XK cá ngừ của Việt Nam sau khi tăng trưởng liên tục đã sụt giảm trong 2 tháng đầu quý 4. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 11/2022 giảm 31% so với cùng kỳ, đạt hơn 25 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm nên kim ngạch XK sang thị trường này tính đến hết tháng 11 vẫn tăng 56%, đạt hơn 461 triệu USD. Hiện tại giá hải sản tươi và đông lạnh tại Mỹ tăng cao đã khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng hải sản đóng hộp như cá ngừ đóng hộp. Doanh số bán cá ngừ đóng hộp tại Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua. Mặc dù lạm phát đối với thủy sản đóng hộp và đóng túi tăng 12,4%. Nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn mua cá ngừ đóng hộp hơn là hải sản tươi sống và đông lạnh, vì giá cả phải chăng. Do vậy, Mỹ có xu hướng tăng NK cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam. Tuy nhiên, giá cá sản phẩm của Việt Nam XK sang Mỹ đang cao hơn so với các nước đối thủ như Thái Lan hay Mexico làm giảm khả năng cạnh tranh.

Còn tại thị trường EU, XK cá ngừ của Việt Nam cũng không giữ được đà tăng trưởng trong tháng 11. Giá trị XK cá ngừ sang khối thị trường này đã giảm 23% trong tháng này. Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK cá ngừ sang thị trường này đạt 151 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Bất ổn về kinh tế, chính trị và xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng đã tác động tiêu cực tới nhu cầu NK từ thị trường EU.

Xuất khẩu cá ngừ 11 tháng tăng 41

Trong số 3 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường này hiện chỉ có Tây Ban Nha tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Trái với xu hướng XK cá ngừ sang thị trường Mỹ và EU, XK sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt 30%. Sự tăng trưởng này có được là nhờ sự gia tăng XK sang thị trường Nhật Bản và Mexico, lần lượt là 141% và 7%. Trong khi đó, XK cá ngừ sang thị trường NK lớn nhất tại khối thị trường này là Canada giảm 26%.

Trong tháng 11, lạm phát tại nhiều thị trường đã giảm nhẹ, tuy nhiên thực tế giá lương thực phẩm vẫn tăng cao. Các nhà sản xuất cá ngừ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU… đang phải chi nhiều hơn để sản xuất do giá năng lượng và hàng hóa tăng cao. Điều này đã khiến giá các sản phẩm cá ngừ bị đẩy lên cao và trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng.

Mặc dù đang giai đoạn cuối năm, nhưng XK cá ngừ trong tháng cuối năm vẫn khó giữ được tăng trưởng vì nhu cầu trên thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn cung nguyên liệu thấp và chi phí sản xuất thì vẫn cao, trong khi DN thì thiếu vốn để quay vòng đầu tư SX – chế biến XK.

Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục