Tổng quan ngành cá ngừ

I. Tổng quan

Cá ngừ tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và trung tâm Biển Đông. Sản lượng cá ngừ của Việt Nam ước đạt hơn 600 nghìn tấn; trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi.

Sản lượng cá ngừ hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200 nghìn tấn. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn.

Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to được khai thác trong giai đoạn 6 tháng từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Trong khi cá ngừ vằn có thể được khai thác quanh năm.

Sản lượng cá ngừ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ước tính khoảng 27.000 tấn. Bình Định là tỉnh khai thác cá ngừ lớn nhất với 9.400 tấn, tiếp theo là Khánh Hòa với 5.000 tấn và Phú Yên với 4.000 tấn.

Việt Nam đã tích cực áp dụng các quy tắc quốc tế về tính bền vững, chẳng hạn như IUU của EU hoặc nhãn an toàn cá heo của EII. Năm 2018, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đóng góp khoảng 7,4% tổng xuất khẩu thủy sản cả nước.

II. Xuất khẩu

Trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hải sản, và nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ 3 trong tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam. Tính từ năm 2020 – 2024, tỷ trọng giá trị XK cá ngừ trong tổng kim ngạch XK thủy sản đã tăng từ 8,4% năm 2020 lên 10% năm 2024.  

Trong 5 năm (2020 – 2024), XK cá ngừ của Việt Nam đã tăng 52% từ 649 triệu USD năm 2020 lên 989 triệu USD năm 2024. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong giai đoạn này tăng trưởng trung bình đạt 8%/năm. Các loài cá ngừ XK chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn…

Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang hơn 110 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82-86% tổng kim ngạch XK cá ngừ Việt Nam.

  • Ảnh bìa báo cáo hải sản

TS. Hồ Quốc Lực

Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta.