Xuất khẩu tôm sang EU tăng 30%

(vasep.com.vn) EU chiếm khoảng 30,6% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới. NK tôm của EU dao động từ 6-8 tỷ USD mỗi năm. Trong 10 năm (2007-2016), NK tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD năm 2016. Giá trị NK tôm vào EU đạt thấp nhất 5,4 tỷ USD năm 2009 và đạt cao nhất 7,6 tỷ USD năm 2014.

Giá trị NK tôm của EU năm 2016 tăng 2% so với năm 2015 tuy nhiên 5 tháng đầu năm 2017, giá trị NK tôm của thị trường này lại giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do các nguồn cung cho thị trường này giảm sản lượng và giá tôm tăng khiến nhu cầu NK giảm.

Năm 2016, Tây Ban Nha là thị trường đơn lẻ NK nhiều tôm nhất trong khối EU, chiếm 17,7% tổng giá trị NK tôm của EU. Pháp và Anh lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm tỷ trọng 13,6% và 12,9%; Hà Lan đứng thứ 4 chiếm 9,3%.

Năm tháng đầu năm 2017, NK tôm vào EU đạt hơn 2 tỷ USD; giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 4 thị trường NK tôm chính của EU, giá trị NK tôm của Tây Ban Nha đạt 369,2 triệu USD; tăng 7,3%; Pháp đạt 338,6 triệu USD; giảm 1,4%; Anh đạt gần 230 triệu USD; giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2017, EU vươn lên trở thành thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam. Giá trị XK tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 483,6 triệu USD; tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính tới tháng 8 năm nay, XK sang 3 thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam (Anh, Hà Lan, Bỉ) trong khối EU đều tăng trưởng ở mức 2 con số lần lượt 46,5%; 47,8% và 34,1%. Giá trị XK tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng NK để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.

Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm XK tôm cho EU, Ecuador và Việt Nam ngày càng tăng cường XK tôm thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế về nuôi tôm so với Việt Nam với nguồn giống chất lượng tốt có khả năng kháng bệnh cao. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Ecuador và EU và có hiệu lực từ ngày 01/1/2017. FTA này dự kiến làm tăng khả năng cạnh tranh của tôm chân trắng Ecuador so với các nhà cung cấp khác trong năm 2017 do được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.

Thời gian tới, để XK tốt sang thị trường EU, các doanh nghiệp của Việt Nam cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), được ký cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Hơn nữa, các DN cần bảo đảm tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… Để đón đầu cơ hội và khai thác được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức.

Người tiêu dùng EU sẽ ngày càng tăng mua các sản phẩm thủy sản sản xuất bền vững trong cả các kênh bán lẻ lẫn kênh dịch vụ ẩm thực. DN nên chú trọng vấn đề dán nhãn và kiểm định chất lượng để phát triển thị trường này.

Nhập khẩu tôm của EU, T1-T5/2017 (GT: nghìn USD)

Thị trường NK

T1-T5/2016

T1-T5/2017

Tăng, giảm (%)

EU 28

2.473.589

2.017.641

-18,4

Tây Ban Nha

344.183

369.214

7,3

Pháp

343.467

338.551

-1,4

Anh

326.861

299.978

-8,2

Bồ Đào Nha

67.221

69.617

3,6

Ireland

13.621

13.590

-0,2

Hy Lạp

25.309

24.849

-1,8

Estonia

5.207

5.679

9,1

CH Sec

5.462

4.671

-14,5

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm