Xuất khẩu tôm của Ấn Độ dự kiến tăng năm 2017

(vasep.com.vn) Bắt đầu từ QII/2013, Ấn Độ vượt qua Thái Lan trở thành nguồn cung tôm lớn nhất thế giới và duy trì vị trí dẫn đầu cho đến nay. XK tôm của Ấn Độ chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung tôm của thế giới năm 2015.

Từ 2009-2014, XK tôm của Ấn Độ liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh 3,7 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, XK chững lại trong năm 2015 một phần do biến động tiền tệ thế giới và đồng USD mất giá. Năm 2016, XK tôm Ấn Độ phục hồi trở lại, tăng 16% so với năm 2015 và đạt 3,69 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018.

Năm 2016, XK tôm của Ấn Độ đạt 438,4 nghìn tấn; trị giá 3,69 tỷ USD; tăng 15% về khối lượng và 16% về giá trị so với năm 2015. Giá trị XK sang 3 thị trường NK chính đều tăng trong đó Việt Nam tăng mạnh nhất 48%; sang Mỹ tăng 25% và Nhật Bản 1%.

Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 38,6% tổng XK tôm của Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ 2 chiếm 15,5%; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 9,6%.

Ấn Độ chủ yếu XK tôm đông lạnh (HS 030617) với sản phẩm này chiếm 94% tổng giá trị XK tôm của nước này. Sản phẩm này chủ yếu được xuất sang Mỹ và Việt Nam. Giá trung bình XK mặt hàng này trong năm 2016 khoảng 8,4 USD/kg. Giá trung bình XK mặt hàng này sang Mỹ đạt 9,8 USD/kg; sang Việt Nam và Nhật Bản lần lượt đạt 7,3 USD/kg và 9,6 USD/kg.

Tôm chế biến đóng túi kín khí (HS 160529) là sản phẩm XK chính thứ 2, chiếm 3,7% tổng giá trị XK. Sản phẩm này chủ yếu được XK sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Giá trung bình XK mặt hàng này trong năm 2016 đạt khoảng 9,8 USD/kg; sang Mỹ và Nhật Bản lần lượt đạt 10,5 USD/kg và 9,5 USD/kg.

Giá trung bình XK tôm Ấn Độ sang Mỹ và Nhật Bản (9-10 USD/kg) cao hơn so với giá XK trung bình sang Việt Nam (7-8 USD/kg).

Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên cả 3 thị trường chính: Mỹ, Nhật Bản và EU. Trên thị trường Mỹ, trong kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11, Việt Nam chịu thuế 4,78%; Ấn Độ giảm so với mức 2,2% của đợt xem xét trước đó. Bên cạnh đó, giá XK tôm trung bình của Ấn Độ thấp hơn từ 15-20% so với Việt Nam và các nguồn cung khác cho thị trường Mỹ. Theo thống kê của FAO, Ấn Độ vẫn là quốc gia thống lĩnh thị trường tôm của Mỹ từ nay đến năm 2030.

Trên thị trường Nhật Bản, NK tôm từ Ấn Độ tăng trưởng khá tốt đặc biệt trong những năm kinh tế Nhật Bản đối mặt với suy thoái và chuyển sang NK tôm từ các nguồn cung giá rẻ như Ấn Độ. Năm 2016, NK tôm từ Ấn Độ sang Nhật Bản chỉ tăng trưởng nhẹ 1%. Ấn Độ cũng là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Nhật Bản.

Trên thị trường EU, Ấn Độ đang phải đối mặt với quy định của EU kiểm tra 50% lô tôm NK từ Ấn Độ tại biên giới nên XK sang thị trường này sẽ không tăng trong năm 2017.

Sản lượng tôm Ấn Độ đạt 450.000 tấn trong năm tài chính 2015/2016; dự kiến đạt 500.000 tấn năm 2016/2017 và vượt 500.000 tấn năm 2017/2018.

Năm 2016, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở Ấn Độ có chiều hướng giảm và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong năm 2017. Ấn Độ hiện đang chuyển sang nuôi nhiều tôm chân trắng hơn và giảm tôm sú. Năng suất tôm chân trắng cao hơn sẽ khiến tổng sản lượng tôm Ấn Độ tăng trong các năm tiếp theo. Dựa trên các yếu tố trên, XK tôm của Ấn Độ năm 2017 dự kiến tăng 15 – 20%.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm