Xuất khẩu tôm Ấn Độ: Nỗ lực để tăng trưởng

(vasep.com.vn) Bắt đầu từ QII/2013, Ấn Độ vượt qua Thái Lan trở thành nguồn cung tôm lớn nhất thế giới và duy trì vị trí dẫn đầu cho đến nay. XK tôm của Ấn Độ chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung tôm của thế giới năm 2015.

Từ 2009-2014, XK tôm của Ấn Độ liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, XK chững lại trong năm 2015 và dự kiến phục hồi trong năm 2016 và các năm sau đó. Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018.

Tính tới tháng 9/2016, XK tôm của Ấn Độ đạt 315,2 nghìn tấn; trị giá 2,7 tỷ USD; tăng 11,6% về khối lượng và 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. XK sang 4 thị trường chính đều tăng trong đó Việt Nam tăng mạnh nhất 35,4%; sang Anh tăng 23,7%; Mỹ 19,2% và Nhật Bản 8,3%.

Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ấn Độ, chiếm tỷ trọng trên 41% tổng XK tôm của Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ 2 chiếm 19%; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 9,3%.

Ấn Độ chủ yếu XK tôm đông lạnh (HS 030617) với sản phẩm này chiếm 94% tổng giá trị XK tôm của nước này. Sản phẩm này chủ yếu được xuất sang Mỹ và Việt Nam. Giá trung bình XK mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2016 dao động từ 8,1 – 8,6 USD/kg.

Tôm chế biến đóng túi kín khí (HS 160529) là sản phẩm XK chính thứ 2, chiếm 3,7% tổng giá trị XK. Sản phẩm này chủ yếu được XK sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Giá trung bình XK mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2016 dao động từ 9-10 USD/kg.

Giá trung bình XK tôm Ấn Độ sang Mỹ và Nhật Bản (9-10 USD/kg) cao hơn so với giá XK trung bình sang Việt Nam (7-8 USD/kg).

Nỗ lực để tăng XK

Năm 2015, xuất khẩu tôm Ấn Độ chững lại do giá tôm nguyên liệu giảm và dịch bệnh phát sinh. Sau khi giảm trong năm 2015, XK tôm của Ấn Độ năm 2016 được dự báo sẽ chuyển biến tích cực nhờ Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với tôm NK từ nước này. Theo đó, Mỹ quyết định áp thuế chống bán phá giá 2,2% đối với tôm đông lạnh NK từ Ấn Độ. Mức thuế này giảm so với mức sơ bộ trước đó 4,98%. Thông tin này đã hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng XK tôm Ấn Độ sang thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của nước này.

Thái Lan từng chiếm lĩnh thị trường tôm Mỹ trong nhiều năm tuy nhiên năm 2009 dịch EMS gây thiệt hại lớn cho ngành tôm nước này và sản lượng sụt giảm tại Thái Lan đã tạo cơ hội cho Ấn Độ tăng trưởng trên thị trường Mỹ.

Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Cục Xúc tiến thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đang hỗ trợ hoạt động nuôi tôm thông qua một dự án nuôi tập trung. Hơn 10.000 hộ nuôi tôm sẽ được sắp xếp vào một khu nuôi tập trung và khu vực này sẽ được áp dụng các “biện pháp thực hành quản lý nuôi tốt”.

Các khu vực nuôi tập trung này cũng giúp người nuôi tiếp cận với nguồn vốn, con giống và thức ăn chất lượng cao, và các vật tư đầu vào khác, giúp giảm dịch bệnh và cải thiện chất lượng sản phẩm.

So với các nước khác, Ấn Độ có lợi thế nhờ nguồn tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh NK từ Mỹ cộng với đồng Ruppe giảm giá mạnh nên nguồn cung tôm ổn định và thu hút các công ty NK hơn.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang áp dụng công nghệ ‘Biofloc’ trong nuôi tôm. Đây là một công nghệ bền vững và thân thiện với môi trường. Công nghệ này cho năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp và tạo môi trường ổn định trong ao nuôi. Trong bối cảnh các vấn đề dịch bệnh liên quan đến vi khuẩn và virus ngày một nhiều cộng với chi phí nhiên liệu đang tăng, công nghệ biofloc là một giải pháp sản xuất bền vững với chi phí thấp.

Nhu cầu tôm trên thế giới tăng trở lại, dịch bệnh tôm ở Ấn Độ đã được khống chế, nên dự kiến XK tôm của Ấn Độ năm 2017 sẽ tăng 15 – 20%.

Xuất khẩu tôm của Ấn Độ, T1-T9/2016 (Nguồn: ITC)

Thị trường

T1-T9/2015

T1-T9/2016

Tăng, giảm (%)

TG

2.384.013

2.665.557

11,8

Mỹ

926.302

1.104.356

19,2

Việt Nam

374.490

506.965

35,4

Nhật Bản

229.728

248.860

8,3

Anh

77.666

96.067

23,7

UAE

87.486

97.703

11,7

Canada

75.206

67.896

-9,7

Pháp

58.276

63.191

8,4

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm