Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không trông đợi vào TPP

(vasep.com.vn) Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới tháng 10 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 604,4 triệu USD; tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2015. Mỹ vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,4% tổng XK tôm Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay.

Mỹ cũng là thị trường NK tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam chiếm tỷ trọng 75% tổng NK tôm từ Việt Nam; tôm sú chiếm 22% và tôm biển 3% trong 9 tháng đầu năm nay. Trong giai đoạn này, tôm chân trắng chế biến (HS 16) XK từ Việt Nam sang Mỹ gấp 1,8 lần tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03).

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, Mỹ duy trì đà tăng trưởng NK tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng trong khi các nguồn cung khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá XK tăng.

Mười tháng đầu năm 2016, XK tôm Việt Nam sang Mỹ giảm nhẹ 1,5% và 1,1% lần lượt trong tháng 6 và tháng 10; các tháng còn lại đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị XK trong tháng 9/2016 đạt cao nhất từ đầu năm với gần 85 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 9/2015. Sang tháng 10/2016, giá trị XK tôm sang thị trường này giảm nhẹ 1% so với tháng trước đó và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2016, mặc dù giá trị XK tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 29,4% xuống -1,1%. Những tháng cuối năm này, theo một số chuyên gia ngành tôm, thị trường tôm Mỹ đang có xu hướng chững lại, khu vực bán lẻ có một chút trầm lắng. Nguyên nhân là do doanh số bán tôm tốt từ đầu năm nay có thể đã làm tăng tồn kho ở Mỹ trong khi giá tôm không thay đổi để phù hợp với giá tăng từ các nước cung cấp châu Á. Hiện giá tôm ở Mỹ đang thấp hơn giá bán ở châu Á, điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới thị trường tôm Mỹ.

Theo số liệu của Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 10 tháng đầu năm nay, NK tôm của Mỹ đạt 489,5 nghìn tấn; trị giá 4,6 tỷ USD; tăng 4% về khối lượng và 3%  về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 nguồn cung tôm chính cho Mỹ, NK tôm từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam tăng trong khi NK từ Indonesia và Ecuador giảm. Ấn Độ - nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất với 11% và 12%, lần lượt về khối lượng và giá trị nhờ được giảm thuế chống bán phá giá khi XK tôm sang Mỹ.

NK tôm từ Việt Nam vào Mỹ tăng lần lượt 10% và 6% về khối lượng và giá trị. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về khối lượng tôm cung cấp cho Mỹ, chiếm trên 10% tổng khối lượng tôm NK vào Mỹ.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia TPP đã ghi nhận những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường. Các sản phẩm của Việt Nam sẽ được nhìn nhận bình đẳng hơn và thương hiệu cũng được nâng cao.

Ngày 04/02/2016, TPP đã được ký kết chính thức và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP ngay ngày nhậm chức vào đầu năm tới. Nhiều người cho rằng, TPP sẽ giúp XK thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm tôm tận dụng được mức thuế suất ưu đãi 0% khi XK sang Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề bởi, khi TPP được đặt lên bàn cân của các nhà lãnh đạo Mỹ, họ đã tính toán đến các giải pháp bảo hộ nhằm giảm bớt “làn sóng” tôm giá rẻ từ Châu Á.

Như vậy, dù có hay không TPP thì XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn gặp không ít khó khăn từ những rào cản thương mại hay sự cạnh tranh gay gắt của các nguồn cung lớn khác.

Mỹ hiện phải NK hơn 90% thủy sản và tôm là một trong những mặt hàng thủy sản tiêu thụ quan trọng ở Mỹ. Điều đó cho thấy, dù có bất lợi nhưng Mỹ vẫn được coi là thị trường chủ lực và đầy tiềm năng trong tương lai của các DN XK tôm.  Do đó, để đẩy mạnh XK, các DN nên chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục XK vào thị trường này.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm