Tôm Ấn Độ: Dự báo xuất khẩu lên 7 tỷ USD năm 2022

(vasep.com.vn) Ấn Độ hiện là nước XK tôm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 16% tổng XK tôm của toàn thế giới. Ấn Độ đã duy trì vị trí dẫn đầu này từ năm 2015 đến nay.

Từ 2009 - 2014, XK tôm của Ấn Độ liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh 3,7 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, XK chững lại trong năm 2015 một phần do biến động tiền tệ thế giới và đồng USD mất giá. Năm 2016, XK tôm Ấn Độ phục hồi trở lại, tăng 16% so với năm 2015 và đạt 3,69 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018.

Năm 2017, XK tôm của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng khoảng 30% về giá trị và 19% về khối lượng so với năm 2016 nhờ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Mỹ, sản lượng tôm nuôi tăng và Ấn Độ phát triển được các mặt hàng thế mạnh mà thị trường cần. Dự kiến trong năm tài chính 2018, XK tôm Ấn Độ tăng trưởng 25-30% so với năm trước đó.

Năm 2017, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 45% tổng XK tôm của Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ 2 chiếm 23,3%; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 7,6%.

Năm 2017, Ấn Độ tăng XK tôm sang Mỹ với tỷ lệ tăng 40% về giá trị. XK sang Việt Nam và Nhật Bản tăng lần lượt 60% và 10%. XK sang EU giảm tốc độ tăng trưởng so với năm 2016 trong đó XK sang Hà Lan và Pháp giảm nhẹ.

Năm 2017, tôm Ấn Độ thành công trên thị trường Mỹ nhờ thuế chống bán phá giá thấp hơn các đối thủ khác trên thị trường Mỹ. XK tôm Ấn Độ sang EU giảm tốc nên Ấn Độ đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ để bù đắp sự sụt giảm này.

XK tôm Ấn Độ sang EU gặp khó khăn trong năm 2017 do Ấn Độ đang phải chịu chế độ kiểm tra 50% các lô hàng tại biên giới EU. Bên cạnh đó, tác động tâm lý từ thông tin EU có thể cấm NK tôm Ấn Độ do lo ngại vấn đề sử dụng kháng sinh cũng khiến các nhà NK EU phải “đắn đo” khi nhập hàng từ Ấn Độ.

Ấn Độ chủ yếu XK tôm đông lạnh (HS 030617) với sản phẩm này chiếm 93% tổng giá trị XK tôm của nước này. Sản phẩm này chủ yếu được xuất sang Mỹ và Việt Nam. Giá trung bình XK mặt hàng này trong năm 2017 khoảng 8,5 USD/kg. Giá trung bình XK mặt hàng này sang Mỹ đạt 10 USD/kg; sang Việt Nam và Nhật Bản lần lượt đạt 7,5 USD/kg và 10 USD/kg.

Tôm chế biến đóng túi kín khí (HS 160529) là sản phẩm XK chính thứ 2, chiếm 4% tổng giá trị XK. Sản phẩm này chủ yếu được XK sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Giá trung bình XK mặt hàng này trong năm 2016 đạt khoảng 11 USD/kg; sang Mỹ và Nhật Bản lần lượt đạt 10,5 USD/kg và 9,5 USD/kg.

Giá trung bình XK tôm Ấn Độ sang Mỹ và Nhật Bản (9-10 USD/kg) cao hơn so với giá XK trung bình sang Việt Nam (7-8 USD/kg).

Trong những năm qua, các nhà XK Ấn Độ đã tập trung nuôi tôm mật độ thấp để kiểm soát dịch bệnh trong khi vẫn duy trì được chất lượng trong toàn chuỗi giá trị. Việc sử dụng tôm giống bố mẹ sạch bệnh (SPF) NK từ Mỹ cũng hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành tôm Ấn Độ.

Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia dự báo XK tôm Ấn Độ có khả năng tăng lên 7 tỷ USD năm 2022 nhờ nhu cầu cao, chất lượng tốt, công nghệ chế biến được cải thiện và diện tích nuôi tôm tăng ở một số bang như Andhra Pradesh, Gujarat, Odisha và West Bengal. Bên cạnh đó, các đối thủ châu Á đang phải giải quyết các vấn đề về cơ cấu và tiêu thụ nội địa tăng.

Ấn Độ sẽ tiếp tục thống trị thị trường tôm bỏ vỏ. Các trang trại mới và các nhà máy chế biến hiện đại sẽ giúp Ấn Độ sản xuất nhiều mặt hàng giá trị gia tăng như tôm xiên, tôm tẩm ướp... XK tôm chín từ Ấn Độ cũng sẽ tăng trong vài năm tới.

Về sản lượng nuôi, Ấn Độ đang đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn vào năm 2020. Với mục tiêu này, một số chuyên gia rất lạc quan tuy nhiên cũng có những người nghi ngại rằng Ấn Độ khó có thể đạt được mục tiêu này.

Ngành tôm Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các yếu tố thuận lợi từ thị trường thế giới nhưng hiện các yếu tố này đang trở nên kém thuận lợi hơn. Chi phí sản xuất ở Ấn Độ cũng đang tăng. Sản lượng tôm từ các nước sản xuất khác đang phục hồi có thể làm giảm giá tôm thế giới.

Nếu các nhà sản xuất tôm Ấn Độ nắm bắt được thị hiếu của thị trường, tìm được giải pháp cho các khó khăn hiện tại thì có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm