Nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 7

(vasep.com.vn) Sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, NK tôm của Mỹ đã giảm trong ba tháng liên tiếp: 5, 6 và 7 năm nay. Tồn kho cao và XK từ các nguồn cung chính đều gặp khó đã làm giảm nguồn cung tôm vào thị trường Mỹ.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 7 tháng đầu năm nay, Mỹ NK 359.948 tấn tôm, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Top 6 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ gồm Ấn Độ (chiếm thị phần 35% trong tổng khối lượng NK tôm vào Mỹ), Indonesia (21%), Ecuador (12%), Việt Nam (7,2%), Thái Lan (7%) và Trung Quốc (6,7%). Trong top 6 nguồn cung lớn nhất, 7 tháng đầu năm nay, chỉ có NK từ Ấn Độ và Indonesia tăng, NK từ các nguồn cung còn lại giảm.

Mặc dù NK tôm vào Mỹ vẫn tăng nhẹ 3% về khối lượng trong 7 tháng đầu năm nay nhưng tháng 7/2018, NK tôm vào Mỹ đã giảm cả về khối lượng và giá trị. Tháng 7/2018, Mỹ NK 55.952 tấn tôm, giảm 8,3% so với tháng 7/2017 (61.021 tấn); giá trị NK tôm vào Mỹ tháng 7 năm nay đạt 473,6 triệu, giảm so với 592,9 triệu USD của cùng kỳ năm 2017. Tháng 7/2018, giá NK trung bình đạt 8,45 USD/kg, giảm so với tháng 6/2018 (8,79 USD/kg) và tháng 7/2017 (9,71 USD/kg).

Tồn kho vẫn cao, giá NK trung bình giảm do nguồn cung dư đã ảnh hưởng tới NK tôm vào Mỹ trong tháng 7 năm nay. Sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, NK tôm của Mỹ đã giảm trong tháng 5, 6 và 7 năm nay. Xu hướng này trái ngược với mọi năm khi các tháng này là thời điểm NK tôm của Mỹ bắt đầu tăng.

Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, vẫn tăng XK tôm sang Mỹ trong tháng 7/2018 mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với những tháng đầu năm với khối lượng 23.512 tấn tôm, tăng 15% so với tháng 7/2017. Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm Ấn Độ sang Mỹ đạt 124.953 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ duy trì được tốc độ tăng trưởng XK sang Mỹ là nhờ đồng rupee giảm giá (đạt ngưỡng 70 rupee/USD) và giá tôm chân trắng nguyên liệu tăng nhanh.

Xét về khối lượng, trong top 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, chỉ có NK tôm từ Ấn Độ và Honduras tăng, NK từ các nguồn cung còn lại đều giảm.

NK tôm vào Mỹ từ Thái Lan giảm mạnh. Trong tháng 7/2018, Thái Lan XK sang Mỹ 3.301 tấn tôm, tăng 55% so với tháng 7/2017 (7.278 tấn). Thái Lan đang gặp một số vấn đề về dịch bệnh và thu hẹp diện tích sản xuất tôm. Số lượng người nuôi tôm tại Thái Lan cũng được dự đoán sẽ giảm từ 7.000 người xuống còn 6.000 người. Các trại nuôi đang sử dụng ít diện tích nuôi hơn và sản xuất với số lượng ít hơn.

Tháng 7/2018, Honduras XK 883 tấn tôm sang Mỹ, tăng 148% so với tháng 7/2017. Đây là nguồn cung có sức tăng  trưởng XK tôm sang Mỹ mạnh nhất. Lệnh cấm của Mexico đối với tôm NK từ các nước Trung Mỹ đã khiến các nhà cung cấp tôm Mỹ Latinh trong đó có Honduras chuyển hướng XK sang thị trường Mỹ.

Mexico không cho phép NK tôm từ Honduras do lo ngại bệnh đầu vàng trên tôm và muốn bảo vệ sản xuất trong nước.

Việt Nam cũng là một trong những nguồn cung giảm XK tôm sang Mỹ trong tháng 7 năm nay. Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017), mức thuế cuối cùng cho các công ty XK tôm Việt Nam là 4,58%, mức thuế này đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Năm 2017, trong khi XK tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá XK tăng cao hơn so với những năm trước, XK sang thị trường Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế CBPG. Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường NK tôm từ Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ 8 tháng đầu năm 2018 giảm 5,5% xuống còn 393 triệu USD.

Với kết quả cuối cùng POR12 thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11, XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục, đưa kết quả XK tôm cả năm 2018 sang thị trường này lên khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm