Indonesia: Xuất khẩu tôm sang Mỹ ổn định

(vasep.com.vn) Indonesia là nước XK tôm lớn thứ 6 thế giới với giá trị XK năm 2016 chiếm 7,3% tổng giá trị XK toàn thế giới. Trong 10 năm (2007-2016), khối lượng XK tôm của nước này tăng từ 140 nghìn tấn năm 2007 lên gần 188 nghìn tấn năm 2016. Từ 2007-2013, XK tôm nước này dao động lên xuống trong khi từ 2013-2016, khối lượng XK tôm Indonesia liên tục tăng.

Xét về giá trị, trong 10 năm (2007-2016), giá trị XK tôm của Indonesia tăng từ hơn 900 triệu USD lên 1,7 tỷ USD. Từ năm 2012-2014, giá trị XK tôm của nước này liên tục tăng và đạt đỉnh năm 2014 với hơn 2 tỷ USD. Từ 2014-2016, giá trị XK giảm tuy nhiên vẫn ở trên mức 1,5 tỷ USD.

Năm 2016, Indonesia XK gần 188 nghìn tấn tôm, trị giá 1,7 tỷ USD; tăng 3,6% về khối lượng và 6% về giá trị so với năm 2015. Mỹ là thị trường NK tôm lớn nhất của Indonesia, chiếm hơn 64% tổng giá trị XK tôm của nước này; Nhật Bản đứng thứ hai chiếm trên 20%; EU đứng thứ 3 chiếm khoảng 7,8%; Việt Nam chiếm khoảng 2,1%. Trong top các thị trường NK tôm lớn nhất của Indonesia; XK sang Mỹ, EU, Việt Nam, Malaysia tăng trưởng tốt trong khi XK sang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan giảm.

Indonesia XK sang Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia chủ yếu là tôm nguyên liệu. Các mặt hàng tôm giá trị gia tăng và chế biến sâu thường được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, EU. Các sản phẩm tôm chế biến của Indonesia XK sang EU được giá hơn xuất sang Mỹ và Nhật Bản.

XK sang Mỹ ổn định

Trên thị trường Mỹ, Indonesia là nhà cung cấp lớn thứ hai sau Ấn Độ, chiếm 20% tổng giá trị NK tôm vào Mỹ. Việt Nam đứng thứ năm chiếm 9,3%. Trong 7 tháng đầu năm 2017, XK tôm từ Indonesia sang Mỹ tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá XK trung bình của Indonesia 7 tháng đầu năm nay đạt 10 USD/kg, tăng so với 9,3 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Giá XK trung bình của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay cao hơn Indonesia, đạt gần 11 USD/kg.

Tôm thịt nguyên liệu đông lạnh (HS0306170040) là sản phẩm được NK nhiều nhất vào Mỹ. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ, tiếp đó là Indonesia và Việt Nam. Ấn Độ tăng mạnh về khối lượng và giá trị cung cấp mặt hàng này lần lượt là 57% và 63% trong khi Indonesia giảm 5% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị. Việt Nam đứng thứ 3 giảm 27% về khối lượng và 24% về giá trị.

Tôm thịt chế biến đông lạnh (HS1605211030) là sản phẩm được NK nhiều thứ hai vào Mỹ. Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất, Việt Nam và Indonesia lần lượt đứng thứ hai và ba. Thái Lan giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 6% về giá trị cung cấp mặt hàng này cho Mỹ. Việt Nam đứng thứ hai tăng 7% và 11% lần lượt về khối lượng và giá trị. Indonesia đứng thứ ba tăng lần lượt 10% và 14%. Indonesia đang có xu hướng đẩy mạnh cung cấp mặt hàng này cho Mỹ so với các nhà cung cấp khác.

Trên thị trường Mỹ, Indonesia hiện đang ổn định và có khả năng cạnh tranh tốt bởi nhiều yếu tố thuận lợi cả trong sản xuất lẫn XK tôm.

Số liệu thống kê của FAO về 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ cho thấy, Ấn Độ và Indonesia vẫn duy trì vị trí số 1 và 2 trên thị trường Mỹ trong những năm tới. Thái Lan có xu hướng giảm XK sang Mỹ. Việt Nam và Ecuador có xu hướng cạnh tranh ngang nhau, cạnh tranh vị trí thứ 3 trên thị trường Mỹ trong những năm tới.

Về sản xuất, ngành tôm Indonesia ít bị dịch bệnh hơn các nước khác. Về XK sang Mỹ, tôm nước này không phải chịu thuế chống bán phá giá như Việt Nam, Thái Lan hay Ấn Độ. Ngoài ra, ngành tôm Indonesia dường như không vấp phải nhiều rào cản từ phía Mỹ như các nước khác. Năm 2013, Indonesia vẫn còn đứng sau Ấn Độ và Thái Lan về cung cấp tôm cho thị trường này và nhanh chóng lên vị trí dẫn đầu năm 2014 và dao động ở vị trí số 1 và số 2 từ đó tới nay.

Sản lượng tôm nuôi ở Indonesia có dấu hiệu được cải thiện trong năm nay. Dự báo giá trị XK tôm Indonesia sang các thị trường chính như Mỹ và EU sẽ ổn định trong thời gian tới trong khi giảm XK sang Nhật Bản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm