Hàn Quốc: Nhu cầu nhập khẩu tôm chân trắng vẫn tăng

(vasep.com.vn) Hàn Quốc là thị trường NK tôm đứng thứ 12 trên thế giới. NK tôm vào Hàn Quốc tăng trưởng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới từ 1,9% năm 2007 lên 2,4% năm 2016.

Trong 10 năm (2007-2016), khối lượng NK tôm vào Hàn Quốc dao động từ 76,7 nghìn tấn năm 2007 lên trên 83 nghìn tấn năm 2016, tăng trưởng hơn 8%. Trong 4 năm gần đây (2013-2016), nhu cầu tiêu thụ tôm của Hàn Quốc tăng trưởng khá tốt và ổn định người do sản lượng thủy sản nội địa giảm và xu hướng quan tâm tới thực đơn ăn uống lành mạnh và có lợi cho sức khỏe của người dân nước này.

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2017, NK tôm vào Hàn Quốc đạt 307.3 triệu USD; tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số các nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, NK tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Thái Lan, Ecuador tăng lần lượt 15,8%; 26,8%; 33,9% trong khi NK từ Trung Quốc giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Hàn Quốc là thị trường NK lớn thứ 5 của tôm Việt Nam sau EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ; chiếm 9,7% tổng XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam năm 2016.

Trong 10 năm (2007-2016), XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục tăng trưởng dương với kim ngạch XK năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng năm 2015, XK tôm sang Hàn Quốc giảm do tăng mạnh trong năm 2014 nhờ giá tôm thế giới tăng và đồng USD tăng giá. Chín tháng đầu năm 2017, XK tôm Việt Nam sang thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Tính tới 15/9/2017, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 243,2 triệu USD; tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Với nhu cầu ổn định, giá XK cao, ưu đãi thuế nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam; Hàn Quốc được coi là thị trường thay thế tiềm năng và có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các DN XK tôm của Việt Nam trong bối cảnh XK sang các thị trường chính truyền thống gặp nhiều khó khăn.

T2007-2016, tôm chân trắng luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc. Tỷ trọng tôm chân trắng tăng liên tục từ 42% năm 2009 lên hơn 80% năm 2016. Với nhu cầu tăng mạnh qua các năm, năm 2016, Hàn Quốc là thị trường NK tôm chân trắng lớn thứ 3 của Việt Nam. Với tôm chân trắng, Hàn Quốc ưa chuộng mặt hàng tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã 03). Từ năm 2009-2016, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) xuất sang Hàn Quốc luôn cao gấp 1,4 - 2,2 lần so với tôm chân trắng chế biến (HS 16). Dự kiến, nhu cầu NK tôm chân trắng của Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tôm sú được coi là mặt hàng NK nhiều thứ hai vào Hàn Quốc. Từ 2009-2016, tỷ trọng tôm sú XK sang Hàn Quốc giảm từ 23,5% xuống còn 10,5% trong tổng XK tôm Việt Nam sang thị trường này. Trong giai đoạn 2010-2012, tỷ trọng tôm sú chiếm từ 50-60% tổng XK tôm tuy nhiên giai đoạn 2013-2016, tỷ trọng tôm sú giảm xuống còn 29-30%. Tỷ trọng XK tôm sú sang Hàn Quốc giảm do sản lượng XK mặt hàng này của Việt Nam giảm dần.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng là thị trường nhạy cảm về giá nên các sản phẩm tôm chân trắng giá phải chăng sẽ được người tiêu dùng Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với các sản phẩm tôm sú có giá cao hơn. Giống tôm chân trắng, các nhà NK Hàn Quốc cũng NK nhiều hơn tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) so với tôm sú chế biến (HS 16). Từ 2009-2016, XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) sang Hàn Quốc luôn cao hơn gấp nhiều lần so với tôm sú chế biến: năm 2010, tôm sú HS 03 cao gấp 15,4 lần so với tôm sú HS 16 và năm 2016, cao gấp 4,7 lần.

Mặc dù XK tôm sú sang Hàn Quốc không nhiều nhưng kim ngạch XK mặt hàng này của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 2 năm gần đây (2015-2016) có xu hướng tăng.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế NK thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).

Sau hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), XK tôm của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với VKFTA, thách thức từ thị trường Hàn Quốc đối với tôm Việt Nam chính là việc siết chặt hơn vấn đề chất lượng.

Các DN XK tôm vào Hàn Quốc cần chủ động kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng và cập nhật các thủ tục và yêu cầu của Hàn Quốc để giữ vững thị trường này.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm