Dự kiến, xuất khẩu tôm Ấn Độ năm 2019 sẽ tăng trưởng chậm hơn

(vasep.com.vn) Ấn Độ là nhà cung cấp tôm đứng đầu thế giới, chiếm 19% tổng giá trị XK tôm của toàn thế giới năm 2017. Năm 2018, XK tôm Ấn Độ đã có một năm biến động với tăng trưởng dương XK sang Mỹ, Trung Quốc nhưng âm XK sang EU và Nhật Bản. Dự kiến, năm 2019, tốc độ tăng trưởng XK tôm Ấn Độ sẽ chững lại so với các năm trước đó do một số vấn đề nội tại và tác động từ thị trường thế giới.

Tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến, đóng túi kín khí (HS 160529) là 2 sản phẩm XK chính của Ấn Độ, lần lượt chiếm 93,2% và 4,1% tổng cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Ấn Độ.

Từ năm 2015-2017, giá trị XK tôm Ấn Độ tăng từ 3,2 tỷ USD lên 4,9 tỷ USD. Ba thị trường NK lớn nhất tôm Ấn Độ gồm Mỹ, chiếm 42% tổng giá trị XK tôm Ấn Độ đi các thị trường. Tiếp đó, Việt Nam đứng thứ hai chiếm 20%, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3, chiếm 8,4%.

Mười tháng đầu năm 2018, XK tôm Ấn Độ sang Mỹ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong từng tháng của năm 2018 đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Có thể nói, năm 2018 là một năm hoạt động tốt của các nhà XK tôm Ấn Độ sang Mỹ.

Giá tôm Ấn Độ giảm khoảng 10% trong năm 2018, khiến nhu cầu của các nhà NK Mỹ tăng. Cộng với Mỹ giảm NK tôm từ Việt Nam, Ecuador, Thái Lan, Mexico nên càng tạo đà tăng trưởng XK cho tôm Ấn Độ sang Mỹ. Trong quý cuối năm 2018, đồng rupee giảm giá mạnh so với đồng USD cũng hỗ trợ đắc lực cho việc tăng trưởng lợi nhuận của các nhà XK tôm Ấn Độ sang Mỹ.

Dự kiến XK tôm Ấn Độ sang Mỹ sẽ chững lại trong năm 2019 vì các nhà XK tôm Ấn Độ lo ngại Chương trình Giám sát Thủy sản NK (SIMP) của Mỹ có thể ảnh hưởng không tốt tới XK tôm Ấn Độ sang Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ NK nhiều tôm Ấn Độ trong năm 2018 nên năm 2019 sẽ giảm xuống do tồn kho còn lại từ năm 2018.

Theo ITC, 9 tháng đầu năm 2018, Ấn Độ XK 146 triệu USD sang Trung Quốc, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc tăng NK tôm Ấn Độ do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng và sản lượng tôm Trung Quốc giảm sâu. Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán cũng hứa hẹn tác động tích cực tới XK tôm Ấn Độ sang Trung Quốc.

Trái ngược với đà tăng trưởng tốt của XK tôm Ấn Độ sang Mỹ và Trung Quốc, XK tôm Ấn Độ sang EU và Nhật Bản trong năm 2018 giảm. XK tôm Ấn Độ sang EU trong năm 2018 và những năm gần đây có xu hướng giảm do vướng phải vấn đề về chất lượng. XK sang Nhật Bản giảm do Ấn Độ không có size cỡ tôm phù hợp với thị hiếu của thị trường Nhật và sự cạnh tranh mạnh của các đối thủ như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.

Thách thức còn nhiều

Người nuôi tôm Ấn Độ đang gặp khó khăn với các vấn đề dịch bệnh (bệnh phân trắng, vi bào tử trùng, bệnh đốm trắng), thiên tai và các nhà chế biến nước này đang phải đối mặt với nhu cầu thấp từ các thị trường NK. Năm 2019, giá tôm Ấn Độ dự kiến vẫn giảm theo xu hướng của năm 2018, dẫn tới sản lượng tôm nước này dự kiến giảm.

Theo các chuyên gia, quy định SIMP (có hiệu lực từ 1/1/2019) có thể ảnh hưởng tới 50% khối lượng XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ nếu các nhà XK không áp dụng các giải pháp hiệu quả. Do vậy, các nhà XK thủy sản đã chuẩn bị các phương án tăng cường thực hiện các thủ tục đăng ký trại nuôi và tàu khai thác gắn với chứng nhận để giải quyết các vấn đề truy xuất.

Ấn Độ vẫn đang phải đối mặt với quy định kiểm tra 50% các lô hàng tại biên giới EU. Bên cạnh đó, các nhà XK tôm Ấn Độ cũng lo ngại quyết định của giới chức Hàn Quốc trong việc áp dụng các kiểm tra mới gồm bệnh đốm trắng ngay cả với tôm biển dẫn tới 100% lô hàng bị trả về. Do vậy, các nhà NK không thể tận dụng ưu đãi 10.000 tấn miễn thuế XK.

Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và các nguồn cung đối thủ như Việt Nam, Ecuador, Thái Lan, Indonesia ngày càng tăng. Trên thị trường Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ gặp khó khăn khi cạnh tranh với Indonesia về giá và size cỡ tôm phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Trước những khó khăn trên, tốc độ tăng trưởng khối lượng XK tôm Ấn Độ năm 2019 dự kiến chỉ đạt từ 7-10% so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 17% từ năm 2013 đến 2017.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm