Ấn Độ và Ecuador: Khi Covid-19 còn phức tạp thì sản xuất còn gặp khó khăn

(vasep.com.vn) Dịch Covid-19 đã làm toàn bộ chuỗi sản xuất tôm tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sản xuất đình trệ, đầu ra không ổn định, giá sụt giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phong tỏa của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Người nuôi tôm Ấn Độ gặp khó khăn do Chính phủ nước này áp lệnh phong tỏa cả nước từ 23/3 đến 3/5. Tại bang Andhra Pradesh, bang sản xuất tôm lớn nhất Ấn Độ, hoạt động nuôi tôm bị đe dọa bởi dịch Covid do hiện là cao điểm của mùa thu hoạch. Nhiều nhà chế biến đang hoạt động trong tình trạng thiếu nhân công.

Hơn 50% nhân công tại các nhà máy chế biến của Andhra Pradesh là người từ các bang khác nên họ phải về gia đình khi lệnh phong tỏa có hiệu lực và rất khó để quay lại làm việc tại các nhà máy do lệnh hạn chế đi lại của chính quyền địa phương.

Người nuôi không bán được tôm. Mặc dù chính quyền bang đứng về phía người nuôi đe dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của các nhà chế biến nếu họ không hoạt động trở lại. Đến thời điểm giữa tháng 4/2020, phần lớn các lô hàng đã xuất từ đầu tháng 3 trước khi lệnh phong tỏa diễn ta vẫn bị mắc kẹt trên biển hoặc tại cảng đến.

Thị trường XK cũng co hẹp đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã nới lỏng các quy định NK vì nước này được cho là đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, các nhà XK Ấn Độ vẫn chưa tận dụng được thời cơ này do công suất sản xuất chế biến giảm. Trong tuần đầu tháng 4, mới chỉ có 3.000 tấn tôm Ấn Độ được XK sang Trung Quốc.

Lệnh phong tỏa cũng ảnh hưởng nặng nề tới bang Viskhapatnam. Mặc dù chính quyền bang đã cố định giá tôm ở mức 180 rupee/kg nhưng không nhà máy hoặc thương lái nào có thể mua được với mức giá này do nguồn cung thức ăn nuôi tôm và XK đều giảm. Ấn Độ cũng gặp phải tình trạng không đủ kho lạnh để trữ tôm.

Một số công ty XK không thể xin được chứng thư vệ sinh (health certificate) để XK. Một số phòng thí nghiệm chính thức vẫn đóng cửa do lệnh phong tỏa. Họ không thể tự chứng nhận với những lô hàng XK sang Nam Phi, Châu Âu và Australia.

Những khó khăn trên khiến giá tôm tại đầm ở Ấn Độ giảm. Giá tôm tại Odisha trong thời điểm giữa tháng 4 giảm xuống mức thấp kể từ mức đáy của mùa hè năm 2018.

Tại bang Odisha, giá tối thiểu đạt 260 rupee/kg (3,40 USD/kg) đối với cỡ 40 con, 230 rupee/kg đối với cỡ 51 con, 210 rupee/kg đối với cỡ 61/64, 190 rupee/kg đối với cỡ 71/75.

Tại Andhra Pradesh, giá tôm cỡ 40 con giảm xuống dưới mức 270 rupee/kg so với mức 269 rupee/kg của tháng 5/2018. Người nuôi không thể có lãi với các mức giá thấp này.

Ngành tôm Ecuador đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất trong bối cảnh Covid-19 vì số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở nước này.

Sản xuất tôm tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas-đây cũng là tâm dịch Covid ở Ecuador. Một số công ty có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Một số nhà máy chế biến không mua thêm nguyên liệu vì không có nhân công làm việc tại các nhà máy do lệnh phong tỏa. Trong khi ngành tôm nước này không nhận được hỗ trợ gì từ phía Chính phủ.

Còn tại Việt Nam, do giá tôm không ổn định, tình hình Covid trên thế giới diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi, nông dân chậm thả nuôi hoặc thu hẹp diện tích, nên nguồn nguyên liệu có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi tiếp tục thả nuôi, doanh nghiệp, người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất...

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm