Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đà giảm diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm sút trong quý 4/2022 và tiếp tục giảm trong tháng 1/2023 khi Tết, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm tại Việt Nam diễn ra.
Chỉ tính riêng tháng 1/2023, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các mặt hàng đều ghi nhận đà giảm. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng lớn nhất là tôm giảm tới 55%; tiếp đến là cá tra 61%; cá ngừ 43%; cua, ghẹ và giáp xác khác giảm 43%; nhuyễn thể giảm 32% và cá các loại khác giảm 28%.
Về thị trường, 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đều giảm sút về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1/2023, Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam lớn nhất với 91 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 ghi nhận giảm 32%. Mỹ đứng vị trí thứ hai với 68 triệu USD, giảm 66%; Hàn Quốc đạt 49 triệu USD, giảm 29%....
Theo VASEP, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự phục hồi nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà còn tại các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt. Sự phục hồi mà Trung Quốc mang lại đối với ngành thủy sản Việt Nam sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất từ quý 2/2023.
Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…
Thu Hằng (theo Mekong Asean)