Để tận dụng được lợi thế từ Hiệp định EVFTA như Hiệp định CPTPP đã mang lại thì doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần hoàn thiện các quy trình sản xuất, chế biến đạt tiêu chuẩn cao hơn nữa.
Chia sẻ với DĐDN ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn gặp nhiều rào cản, chưa tận dụng được hết lợi thế của EVFTA. Do đó năm 2023 các doanh nghiệp cần thực hiện chuẩn chỉnh các quy định về nguồn gốc, sản xuất, chế biến nhằm đảm bảo tiêu chí, cũng như nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng IUU.
- Được biết Việt Nam đang tận dụng rất tốt các FTA, vậy những thị trường nào sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản có lợi thế nhiều nhất, thưa ông?
Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã trưởng thành hơn, có đủ kinh nghiệm để tận dụng tốt các lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Một trong những Hiệp định mà thủy sản tận dụng được các lợi thế về thuế quan là EVFTA và CPTPP. Cụ thể trong năm 2022, khối thị trường CPTPP chiếm hơn 26% tỷ trọng XK, đạt trên 2,8 tỷ USD tăng gần 31%, khối thị trường EU đạt trên 1,3 tỷ USD tăng 21,6% so với 2021. Trong đó các nước trong khối CPTPP đều tăng trưởng hai con số so với năm 2021 như Nhật Bản tăng 30,6%., Canada 43,7%, Úc 42,8%, Malaysia 22,2%, Mexico 44,5%, Singapore 94,1% và đặc biệt đã mở được thị trường Peru với giá trị gần 14 triệu đô, tăng trên 100%. Ngoài ra, Nhật Bản là thị trường truyền thống của VN với giá trị 1,5-1,6 tỷ USD đã góp phần tạo nên sự sôi động cho thương mại thủy sản giữa Việt Nam và khối CPTPP.
Bên cạnh ưu đãi về thuế quan giúp các doanh nghiệp Việt tăng được khả năng cạnh tranh so với các nước khác thì Hiệp định cũng mang lại cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ các nước thành viên. Các nước CPTPP đóng góp một phần đáng kể cho nguồn nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến, xuất khẩu giúp doanh nghiệp sử dụng công suất, máy móc đã đầu tư và tạo việc làm ổn định cho công nhân.
- Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên tận dụng thuế quan chưa được nhiều. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
So với trước đây, hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng các lợi thế về thuế quan từ các FTAs một cách có hiệu quả. Tuy nhiên so với Hiệp định EVFTA, cánh cửa vào thị trường CPTPP rộng mở hơn vì với EU, Việt Nam còn vướng thẻ vàng IUU nên việc thực hiện quy tắc xuất xứ (QTXX) để tận dụng lợi thế thuế quan khó khăn hơn.
Một trong những yếu tố khác hạn chế các doanh nghiệp thủy sản chưa tận dụng được các ưu đãi do Hiệp định mang lại, chính là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi sản xuất, chế biến. Do đó các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống quản lý và xuất khẩu một cách hoàn thiện và xuyên suốt chuỗi. Sớm hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá quốc gia, tăng cường tuân thủ các QTXX nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thị trường.
VASEP sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Châu Á và Trung Đông
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp thủy sản thay đổi cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hơn với các yêu cầu của thị trường từ khâu quản lý chất lượng, đến truy xuất nguồn gốc, và hướng đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về nuôi, chế biến, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu nếu các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào khối CPTPP, EVFTA hay các thị trường khác.
- Thưa ông, hiện nay với sự ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, dự báo ngành thủy sản sẽ gặp khó khăn trong 06 tháng đầu năm 2023. Vậy Hiệp hội thủy sản đã có những kế hoạch nào hỗ trợ doanh nghiệp?
Trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu đạt mức xấp xỉ 11 tỷ USD là do nhu cầu tăng và giá bán cao tại các thị trường trong những quý đầu năm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần đưa lũy kế cả năm 2022 tăng trên 23% so với 2021.
Tuy nhiên, tiếp tục đà giảm từ sau quý 4/2022 nên trong tháng 1/2023 xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/2022. Trong đó: xuất khẩu tôm các loại đạt hơn 169 triệu USD (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu cá tra cá tra đạt 107 triệu USD (giảm 50%); xuất khẩu cá ngừ đạt gần 60 triệu USD (giảm 32%). Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ chốt cũng sụt giảm mạnh: Hoa Kỳ giảm 56%, Trung Quốc - Hồng Kông giảm 55%, châu Âu giảm 35%
Trong năm 2023, dự kiến ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự leo thang chiến tranh Nga – Ukraine và sự xuất hiện một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản VN tại các thị trường chính.
VASEP dự kiến trong năm 2023, sẽ có sự điều chỉnh lại về nhu cầu đối với các phân khúc sản phẩm thủy sản, theo đó các dòng sản phẩm có giá vừa phải sẽ được quan tâm hơn vì phù hợp với việc thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vì dòng vốn là nhóm bị tác động mạnh nhất bởi lạm phát.
Sự mở cửa trở lại hoàn toàn của thị trường trung Quốc sẽ giúp phục hồi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này và các thị trường khác khi vấn đề giao thương được thông suốt hơn. Tuy nhiên sự phục hồi thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể bù vào sự sụt giảm từ các thị trường khác.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, Hiệp hội khuyến nghị các thành viên có thể tăng cường mối quan hệ hợp tác giao thương, phát triển đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới, như các thị trường nhỏ và tiềm năng song song các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật, TQ. Bên cạnh đó VASEP sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Châu Á và Trung Đông. Từ những dự báo được xem xét chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ ghi nhận sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý 2/2023.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Ngọc (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)