Thủy sản Việt phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng

(vasep.com.vn) Tháng 4 vừa trôi qua với một sự kiện quan trọng của DN thủy sản, đó là Triển lãm thủy sản toàn cầu vừa diễn ra từ 23-25/4 tại Barcelona. Dấu ấn của triển lãm Barcelona năm nay là các sản phẩm chế biến GTGT của Việt Nam được khách hàng đặc biệt quan tâm.

Tham dự Triển lãm Thuỷ sản toàn cầu 2024 có tổng cộng 37 Đơn vị Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tại gian hàng quốc gia Việt Nam trong đó có 09 công ty chế biến tôm, 08 công ty chế biến cá tra và 04 công ty Chế biến cá ngừ, và 15 công ty chế biến các mặt hàng thuỷ hải sản nói chung.

Các sản phẩm tôm, cá tra ăn liền được các DN chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng và mời khách tham gian thưởng thức ngay tại các gian hàng. Các sản phẩm chế biến hết sức phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách tham gia thích thú và đánh giá cao sau khi được nếm thử. 

Biến động thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến GTGT sẽ là phù hợp hơn cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng XK chủ lực.

Ví dụ, trong XK sản phẩm cá tra quý I năm nay, trong khi XK cá tra phile đông lạnh giảm 5%, thì XK sản phẩm cá tra chế biến GTGT tăng 16% và XK cá tra khô tăng gần 9%. Đáng lưu ý là 2 dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan.  Trong đó, XK bóng bóng cá tra đạt 19,4 triệu USD, tăng 17%, với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chiếm 79%. 

Tương tự như vậy, sản phẩm tôm XK quý I năm nay cũng tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi (PTO, PDTO). Đối với cá ngừ, dòng sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 48% so với cùng kỳ.

Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm GTGT là lợi thế của Việt Nam. Ngược lại, với thị trường Trung Quốc, thì thủy sản sống có tiềm năng hơn … Quý I năm nay, Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với tôm hùm, cua sống từ Việt Nam, cá chẽm, cá mắt kiếng, mực nang, mực ống đông lạnh của Việt Nam.  Sự quan tâm sâu sắc của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hải sản sống nhập khẩu mang lại cơ hội sinh lợi cho các nhà XK. Các món ngon như tôm hùm, cua hoàng đế, cua xanh đang có nhu cầu cao, đặc biệt dành cho những sự kiện như tiệc chiêu đãi, đám cưới…

Nhìn chung, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường quyết định sự tăng trưởng của thủy sản Việt Nam trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, trong quý I/2024, XK thủy sản sang Trung Quốc và Mỹ đều tăng khả quan nhờ nhu cầu tăng cho dịp Tết nguyên đán.

Top 3 thị trường Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc – HK chiếm gần 50% trong tổng XK thủy sản 1,95 tỷ USD trong quý I/2024. Tăng trưởng XK tập trung chủ yếu vào kết quả của tháng 1: tăng 64% đạt 749 triệu USD do nhu cầu cao trước dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong tháng 2 và tháng 3, XK đều giảm so với cùng kỳ và giảm ở hầu hết các thị trường chính, trừ Mỹ. Tuy nhiên, lũy kế quý I cho thấy so với 7 năm gần đây thì quý I/2024 chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, và vẫn là kết quả tích cực cho ngành XK thủy sản.

Lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và NK thủy sản của nhiều thị trường. Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức, rào cản của năm 2024 đang ảnh hưởng đến SX-XK thủy sản của Việt Nam như thẻ vàng IUU đối với hải sản khai thác, thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm XK sang Mỹ, căng thẳng biển Đỏ làm căng cước vận tải biển…

Liệu thủy sản Việt Nam có cơ hội và tiềm năng hồi phục và bứt phá trong nửa cuối năm hay không? Có cơ hội nào thuận lợi cho DN thủy sản trong thời gian tới? Ngoài Mỹ, Trung Quốc, sẽ có những thị trường nào có thể hồi phục nhu cầu trong năm 2024? Xu hướng tiêu thụ các mặt hàng thủy sản sẽ như thế nào?

VASEP vừa mới phát hành Báo cáo XK thủy sản quý I/2024, trong đó phân tích kỹ diễn biến XK thủy sản trong 3 tháng đầu năm và nhận định, cơ hội, thách thức và  xu hướng tiêu thụ thủy sản toàn cầu, đặc biệt là các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Xin mời Quý Doanh nghiệp đón đọc Báo cáo để nắm bắt chi tiết hơn về thị trường thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục