(vasep.com.vn) Trong thời kỳ hậu đại dịch, tiêu thụ thủy sản trên thị trường Trung Quốc đã có một số những thay đổi cơ bản. Theo đó, “độ tươi” của thủy sản đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trong thời gian gần đây.
Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lẩu Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành cung cấp dịch vụ ăn uống. Đáng chú ý, lẩu hải sản đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hải sản Trung Quốc, Tian Guo, Phó Tổng biên tập Hotpot Canjian, một cơ quan truyền thông chuyên về thị trường lẩu Trung Quốc, cho biết thị trường lẩu từ trung đến cao cấp đang trên đà phát triển, trong đó lẩu hải sản đang nổi lên như một điểm nóng.
Tian đề cập rằng năm nay, dù chi tiêu bình quân đầu người cho các món lẩu đã chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên, trong đó chuỗi nhà hàng lẩu lớn Hai Di Lao giảm từ 105 CNY xuống 102 CNY mỗi người, tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, số lượng cơ sở kinh doanh lẩu hải sản đăng ký tại Trung Quốc đã tăng 50,1%, tiếp theo là lẩu bò tăng 40,6%.
Bà nói: “Sau đại dịch, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào độ tươi và an toàn của nguyên liệu thực phẩm. “Thị trường tôm viên và cá viên ngày càng mở rộng, thậm chí thâm nhập vào cả ngành hải sản truyền thống khan hiếm Tứ Xuyên và Trùng Khánh”.
Tian cho biết, thị trường lẩu đang chứng kiến doanh số bán hàng tăng mạnh mẽ đối với sản phẩm mới có tên “Rocket Squid” và doanh số bán bào ngư cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Hải sản nướng cũng đã trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong lĩnh vực ẩm thực.
Thị trường thủy sản đông lạnh trầm lắng
Tại Hội nghị thượng đỉnh hải sản Trung Quốc, Shi Tongcai, phó chủ tịch Quanlian Jicai- nhà nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc cho rằng, ngành thủy sản đông lạnh nhập khẩu của nước này sẽ trải qua làn sóng hợp nhất do rất ít nhà nhập khẩu có thể thu được lợi nhuận trong năm nay.
Tiêu thụ thủy sản đông lạnh chưa có sự phục hồi tăng trưởng. Không chỉ có hải sản; các sản phẩm đông lạnh khác như thịt bò cũng đang chịu lỗ. Hầu như không có nhà nhập khẩu nào kiếm được lợi nhuận.
Thương mại thủy sản trực tuyến cũng khó khăn
Doanh số bán hải sản trực tuyến gặp khó khăn ở Trung Quốc đã dẫn đến việc đóng cửa một số nền tảng trong 3 năm qua.
Đầu tư vào các nền tảng hải sản trực tuyến đã đạt mức thấp mới vào năm 2022, gần như quay trở lại mức của năm 2013.
Trong 3 năm qua, một số nền tảng mua sắm sản phẩm tươi sống trực tuyến đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hình thức phát trực tiếp và thương mại điện tử bằng video ngắn đang có đà phát triển.
Các sản phẩm tôm và cua vẫn là danh mục chủ chốt trong thương mại thủy sản trực tuyến, có mức tăng trưởng nhanh nhất ở nhóm động vật có vỏ, trong khi các sản phẩm cá có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.
Bắt đầu từ năm 2022, sự kết hợp giữa phát trực tiếp và video ngắn với việc bán hải sản trực tuyến đã trở thành mô hình phát triển nhanh nhất. Doanh số bán hàng trên Douyin (TikTok phiên bản tiếng Trung) đã vượt xa doanh số trên Taobao và Tmall ở một số danh mục.