Cá tra Việt Nam đang có lợi thế tại Trung Quốc

(vasep.com.vn) Một số chuyên gia cho rằng cá tra đang có lợi thế tại Trung Quốc, có tiềm năng tăng trưởng bùng nổ nếu thay thế các nguyên liệu khác trong một số món ăn.

Chú thích ảnh

Bất chấp nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào Trung Quốc giảm hai con số trong 3 quý đầu năm nay, ông Chen Xindong, chuyên gia kỳ cựu trong ngành, cho rằng nhu cầu cá philê chất lượng cao vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể tại Trung Quốc. Ông Chen Xindong hiện đang là Tổng giám đốc công ty phân phối cá tra Octogone - công ty con của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc.

Dữ liệu hải quan cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 127.000 tấn cá tra đông lạnh, trị giá 264 triệu USD trong 9 tháng năm nay, giảm so với 206.000 tấn và 510 triệu USD vào năm ngoái.

Nhưng ông Chen cho rằng cá tra đang có lợi thế tại Trung Quốc, có tiềm năng tăng trưởng bùng nổ nếu thay thế các nguyên liệu khác trong một số món ăn.

Tại Hội chợ Thủy sản và Hải sản Trung Quốc được tổ chức ở Thanh Đảo gần đây, đại diện của công ty nhập khẩu Qingdao Meichu Foods cho biết cá tra nấu với dưa chua Tứ Xuyên đã trở thành một trong những món ăn phổ biến nhất của Trung Quốc. Ông Chen cho hay thị trường đang được thúc đẩy bởi các món như cá tra om dưa muối Tứ Xuyên, cá nướng và lẩu.

Trong món lẩu, cá tra đã lọc xương vẫn chiếm ưu thế so với cá lóc có xương địa phương. Ông Chen cho biết hiện nay hầu hết đã quay trở lại với cá tra: “Nếu các món ăn khác có thể được thay thế bằng cá tra, doanh số bán hàng có thể sẽ tăng trưởng bùng nổ”.

Dấu hiệu thị trường phục hồi

Ông Chen cho biết thêm đã có dấu hiệu thị trường cá tra Trung Quốc đang phục hồi. Ông giải thích, doanh số bán cá tra bắt đầu phục hồi vào tháng 7 và tiếp tục tăng trong suốt tháng 8 và tháng 9, nhờ kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các bếp ăn tập thể đã hoạt động trở lại sau thời gian dài bị cấm do COVID-19.

Ông cho biết ngành dịch vụ ăn uống đang phục hồi của Trung Quốc cũng đang tiêu thụ cá tra mặc dù giá tương đối thấp. Tiêu thụ cá tra vẫn ổn định, tuy nhiên nỗ lực bán hết hàng tồn kho có giá cao hơn từ năm ngoái khiến lợi nhuận nhìn chung thấp hơn.

Trong khi đó, doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc tháng 10 không đạt được kỳ vọng.

Ông Chen cho biết thêm, việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản không ảnh hưởng đến thị trường cá tra Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng cho rằng nguyên liệu trong các nhà hàng Nhật Bản đến từ Nhật Bản, nhưng thực tế, cá hồi của họ chủ yếu đến từ Na Uy và Chile.

Cá tra nuôi của Trung Quốc không phải là mối đe dọa

Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn không có nhiều lo ngại trước rủi ro mất khách hàng Trung Quốc, mặc dù các nhà sản xuất cá tra ở Hải Nam và Quảng Đông đang xâm nhập vào thị trường.

Ông Lin Xiaowen, Tổng Giám đốc của Hải Nam Xiangtai Fish cho biết công ty của ông gần đây đã vượt qua những thách thức trong nuôi cá tra và khám phá các kỹ thuật mới sau 4 năm nuôi thử nghiệm.

Xiangtai, nhà chế biến cá rô phi lớn nhất Trung Quốc, là một công ty quan trọng trong ngành cá tra còn non trẻ của Hải Nam. Công ty có liên doanh sản xuất giống cá tra ở Hải Nam và đã phát triển các loại thức ăn chuyên dụng cũng như phương pháp nuôi phù hợp với tỉnh. Ông Lin hy vọng sản lượng cá tra của Xiangtai sẽ đạt 10.000 tấn trong năm nay.

Nhưng ông Lin thừa nhận rằng ngay cả ở điều kiện khí hậu tương tự như Hải Nam, kích cỡ cá tra nuôi nhìn chung nhỏ hơn của Việt Nam. Ông cho biết hiện tại, cá tra nội địa của Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục