Ngành dịch vụ Trung Quốc điêu đứng vì phong tỏa liên tục

Sau 2 năm kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, ngành dịch vụ của Trung Quốc lại ảm đạm. Nhà hàng phải đóng cửa, người tiêu dùng bị mắc kẹt ở nhà và không dám chi tiêu.

Wall Street Journal đưa tin theo một nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc vào tháng 4 đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch. Nguyên nhân là các lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát Covid-19, nhà hàng bị yêu cầu đóng cửa, hàng triệu người mắc kẹt ở nhà.

Đó là một trong những bằng chứng chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại vào tháng 4, sau khi giới chức áp đặt các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và cuộc sống của cư dân ở những thành phố lớn như Thượng Hải.

Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã đóng cửa các công viên giải trí và cấm ăn uống tại nhà hàng để kiểm soát Covid-19. Đây cũng là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày của nước này.

Theo một cuộc khảo sát với gần 400 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc, gần 25% doanh nghiệp đang cân nhắc lại kế hoạch đầu tư. Bởi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc đã giáng đòn vào chuỗi cung ứng, người lao động và doanh thu của họ.

Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các nhà hàng bị yêu cầu đóng cửa, hàng triệu người mắc kẹt ở nhà. Ảnh: Reuters.

Nhà hàng đóng cửa, nhu cầu suy yếu

Theo giới quan sát, nếu Bắc Kinh không sớm nới lỏng các biện pháp chống dịch gắt gao, nền kinh tế có thể suy giảm trong quý II, đánh dấu lần lao dốc đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Hôm 4/5, Trung Quốc ghi nhận 4.848 ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, trong đó 4.466 trường hợp ở Thượng Hải và 50 ca tại Bắc Kinh. 13 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 đều ở Thượng Hải.

Theo Caixin Media Co. và công ty nghiên cứu IHS Markit, vào tháng 4, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã lao dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Covid-19 làm chao đảo thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi tháng 2/2020.

Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ tỉnh Cát Lâm và hàng chục thành phố, bao gồm Thượng Hải, để theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Ảnh: Reuters.

Chỉ số đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm từ mức 42 vào tháng 3 còn 36,2 trong tháng 4. Các biện pháp chống dịch khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, nhu cầu ăn uống, mua sắm và những dịch vụ khác sụt giảm. Hồi tháng 2/2020, chỉ số này rơi xuống mức thấp kỷ lục 26,5.

Sự suy thoái trong lĩnh vực dịch vụ cho thấy cái giá mà Trung Quốc phải trả cho chiến lược Zero-Covid đang ngày càng lớn. Đất nước đã phong tỏa toàn bộ tỉnh Cát Lâm và hàng chục thành phố, bao gồm Thượng Hải - trung tâm tài chính 25 triệu dân và có cảng biển đông đúc nhất thế giới.

Hãng nghiên cứu SpaceKnow Inc. (có trụ sở ở New York) đã sử dụng vệ tinh để theo dõi số lượng phương tiện trong các bãi đỗ xe bên ngoài những trung tâm mua sắm ở Trung Quốc. Các kết quả chỉ ra sự sụt giảm trong hoạt động bán lẻ tháng 3.

Kết quả này phù hợp với dữ liệu chính thức của Trung Quốc. Theo đó, doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 3,5% so với một năm trước đó.

Tác động toàn diện

Lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Con số này thấp hơn mức dự báo trung bình 48 trước đó của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát.

Chỉ số phụ theo dõi các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ mức 47,2 hồi tháng 3 xuống 41,6 vào tháng 4. Còn chỉ số đo lường đơn đặt hàng mới lao dốc mạnh từ 49,5 trong tháng 3 còn 42,6 vào tháng trước. Cách đây 2 năm, xuất khẩu từng là động lực chính cho đà phục hồi của Trung Quốc.

Trung Quốc cho biết nền kinh tế tăng trưởng 4,8% trong quý I so với một năm trước đó. Nhưng một số nhà kinh tế đặt câu hỏi về tính chính xác của những dữ liệu này.

Chỉ số quản lý thu mua trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Ảnh: Wall Street Journal.

Theo cuộc khảo sát của Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, 23% doanh nghiệp được khảo sát đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại và tương lai ra khỏi Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012.

Trong số đó, 60% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2022 của họ sẽ thấp hơn dự báo được đưa ra trước đợt bùng dịch mới. 92% doanh nghiệp thừa nhận họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Những hạn chế chống dịch đã khiến các nhà máy bị đóng cửa, giao thông ùn ứ nghiêm trọng.

Chủ tịch Jörg Wuttke nói thêm rằng ông hy vọng cuộc khảo sát sẽ thúc đẩy các quan chức Trung Quốc cân nhắc lại về cách chống dịch gắt gao của nước này.

Phương Linh

(Theo zingnews.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục