Hiện Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Dự báo, năm 2023 có thể Trung Quốc sẽ soán ngôi thị trường Mỹ.
Chế biến cá tra cắt khúc
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt gần 1,8 tỷ USD, chiếm 16,36% tổng xuất khẩu thủy sản cả nước. Mức tăng trưởng này đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ hai sau Mỹ. Dự báo, năm 2023 có thể Trung Quốc sẽ soán ngôi thị trường Mỹ.
Theo báo cáo của Rabobank, Trung Quốc có khả năng trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 20 tỷ USD trong vài năm tới. Việc cải thiện sức tiêu thụ của Trung Quốc là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản toàn cầu. Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc mới chỉ chiếm 12% thị phần.
Tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt trong bối cảnh mới”, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023 trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang trong nguy cơ bị suy thoái kinh tế và nhu cầu nhập khẩu sụt giảm do lạm phát thì Trung Quốc sẽ là điểm đến kỳ vọng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, khi thị trường này chính thức mở cửa từ ngày 08/01/2023, có thể xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chưa bùng nổ mạnh mẽ ngay nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng năm 2023 xuất khẩu sang thị trường này sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục mới có thể đạt trên 1,8 - 1,9 tỷ USD.
“Có thể kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ gần bằng hoặc thậm chí soán ngôi thị trường Mỹ. Điều này có thể đạt được khi các doanh nghiệp vượt qua các thách thức, trong đó có thách thức lớn nhất là Việt Nam phải cạnh tranh với các nước sản xuất, xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung và giá bán.
Đây là một khó khăn lớn, do đó doanh nghiệp thủy sản cần tính tới tập trung tận dụng các phân khúc mạnh về nguồn cung như tôm sú, tôm hùm, tôm tươi sống hoặc các loại thủy hải sản tươi sống và lợi thế về vị trí địa lý giữa Việt Nam - Trung Quốc”, Giám đốc Truyền thông VASEP nói.
Theo bà Lê Hằng, ngoài tiếp cận về phân khúc ngành hàng thì một việc nữa cần nhấn mạnh là doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tiếp cận Trung Quốc như một thị trường lớn, trong đó có các địa phương, các vùng, các tỉnh là những thị trường khác nhau và là từng thị trường nhỏ. Nhận định như vậy mới tìm được đúng và tìm được nhiều hơn nhu cầu từ thị trường này.
Ví dụ, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tới các địa phương hiện nay, như: Sơn Đông đang chiếm tỷ trọng lớn nhất là 22%; Quảng Đông đang chiếm 17%; Chiết Giang chiếm 11%, Thượng Hải, Thiên Tân, Liêu Ninh mỗi địa phương chiếm khoảng 9%; tiếp đến là Bắc Kinh 6%...
Nhu cầu nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh tăng cao
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt 712 triệu USD, tăng 58% so với năm 2021. Hai dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang Trung Quốc là cá tra phile đông lạnh chiếm trên 74%, giá trị 531 triệu USD và cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh chiếm khoảng trên 25% với gần 180 triệu USD.
Bà Lê Hằng cũng cho biết, trong số các thị trường chính nhập khẩu cá tra, riêng thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh cao nhất. Trong 5 năm qua, xu hướng nhập khẩu sản phẩm này tăng mạnh hơn so với cá tra phile đông lạnh.
Trong khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc tăng 84% từ năm 2018 tới năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh tăng 143%.
Năm 2018, xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh chỉ chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Tới năm 2022 tỷ trọng lên tới 25%. Trong khi đó, tỷ trọng của cá tra phile giảm từ 88% năm 2019 xuống 75% trong 2 năm gần đây.
Hàng năm, một lượng lớn thủy sản được Trung Quốc nhập khẩu, nhưng một phần đáng kể trong số này được dùng để chế biến và xuất khẩu. Những năm gần đây, Trung Quốc chế biến 21- 22 triệu tấn thuỷ sản (80% là cá biển, 20% là cá nước ngọt). Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2022 xuất khẩu cá tra phile đông lạnh của nước này đạt 8,2 triệu USD.
Vẫn còn cản trở từ Lệnh 248 và 249
Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào năm 2023, nhiều chủng loại sẽ đạt mức cao mới.
Bên cạnh những nhận định tích cực từ thị trường này thì việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và 249 với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến nay vẫn là điểm còn nhiều cản trở. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục đăng ký và chờ phê duyệt cấp mã số của Hải quan Trung Quốc rất lâu, mất rất nhiều thời gian chờ đợi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“VASEP rất mong Cục Chất lượng và Phát triển thị trường và hải quan nước bạn có sự phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy nhanh hơn cho quy trình này. Một điểm nữa doanh nghiệp thủy sản rất vui khi Bộ Công thương đã có kế hoạch tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc”, Giám đốc Truyền thông VASEP nêu ý kiến.
Bảo Ngọc (Theo Nhịp sống kinh doanh)