Châu Âu: Mở lại hệ thống nhập khẩu ATQ trong 3 năm tới

(vasep.com.vn) Hội đồng châu Âu đã nhất trí mở lại hệ thống Hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQs) cho một số sản phẩm thủy sản trong ba năm liên tiếp từ 2024 đến 2026 cùng các quy định mới để quản lý những sản phẩm này.

Chú thích ảnh

Quyết định trên của châu Âu nhằm mục đích đảm bảo ngành chế biến thủy sản của EU có thể tiếp tục duy trì nguồn cung nguyên liệu thô giá rẻ và tiêu chuẩn thấp từ các đội tàu nước ngoài, gồm cá ngừ, cá minh thái Alaska, cá tuyết, cá đáy và tôm... Theo đó, những mặt hàng nằm trong chế độ hưởng ưu đãi từ chính sách ATQs sẽ được giảm hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, chính quyền châu Âu cũng cân nhắc kỹ lưỡng những tác động tiềm ẩn từ chính sách ATQs đối với các hãng chế biến trong khối để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa thủy sản nhập khẩu và nội địa.

Luis Planas Puchades, Bộ Trưởng Bộ Thủy sản Tây Ban Nha cho biết, “khi châu Âu mở lại hệ thống ATQs, chúng tôi phải bảo vệ ngành chế biến trong nước để duy trì khả năng cạnh tranh. Mục tiêu sau cùng là cung cấp cho người tiêu dùng châu Âu sản phẩm thủy sản chất lượng với giá cả hợp lý, và đảm bảo lợi ích chung cho toàn ngành thủy sản châu Âu”.

Trong những thập niên gần đây, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn thủy sản nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến do nguồn cung nội địa thiếu hụt. Theo Hội đồng châu Âu, hệ thống nhập khẩu ATQs nhằm mục đích đảm bảo hoạt động chế biến thủy sản trong khối không bị gián đoạn do thiếu nguyên liệu.

Hội đồng châu Âu cho biết, hạn ngạch thuế quan tự trị chỉ được cấp cho những sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu phục vụ nhà máy chế biến thủy sản tại châu Âu trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Quy định ATQs mới đã được thông qua ngày 28/11/2023, và có hiệu lực với một số sản phẩm thủy sản nhất định với số lượng hạn chế. Chế độ miễn thuế theo ATQs sẽ tạm dừng hoặc giảm dần trong giai đoạn 2024 đến 2026. Mỗi sản phẩm thủy sản sẽ được hưởng mức miễn giảm thuế và khối lượng nhập khẩu cụ thể. Ngoài ra, các sản phẩm hải sản xuất xứ Nga và Belarus sẽ không được hưởng lợi từ chính sách nhập khẩu ATQs của châu Âu do căng thẳng chính trị giữa hai bên vẫn chưa cải thiện.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục