Năm 2022, xuất nhập khẩu (XNK) là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Việt Nam cũng gặp thách thức khi hàng hóa XK có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Để hỗ trợ cán bộ công chức và doanh nghiệp (DN) hiểu rõ các quy định PVTM, cũng như chủ động bảo vệ ngành sản xuất trong nước, ngày 10/5, Trung tâm Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Thông tin và Cảnh báo - Cục PVTM (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo “Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp PVTM trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA đối với hàng hóa XK của Việt Nam và những lưu ý cho DN”.
Theo ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay Việt Nam đang thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA quan trọng là EVFTA và UKVFTA. Đây là 2 FTA thế hệ mới, có những tiêu chuẩn cao và cam kết rất sâu rộng.
Khi tham gia 2 FTA này, hàng hóa XK của Việt Nam dự kiến trong vòng 7 năm (kể từ khi Hiệp định thực thi) sẽ cắt giảm thuế đến 99,2%. Đây là cơ hội rất lớn cho hàng hóa XK Việt Nam. EU là một trong những thị trường XK lớn của Việt Nam. Năm 2022, hàng hóa Việt Nam XK vào thị trường EU khoảng 47 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng kim ngạch XK của Việt Nam.
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới cũng như khu vực có nhiều biến động, thị trường NK gặp nhiều khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sự ở Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng đã khiến việc tiêu dùng của các thị trường suy giảm. “Việc này dẫn tới các quốc gia NK, trong đó có EU, Vương quốc Anh sẽ tìm những cách bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa. Trong đó các biện pháp PVTM là công cụ song song với những công cụ khác, họ sẽ nâng cao tiêu chuẩn, những quy định đối với hàng NK. Đây là một trong những thách thức đối với DN trong thời gian tới”, ông Vũ khẳng định.
Bà Đỗ Thị Sa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và Cảnh báo, Cục PVTM (Bộ Công thương) phân tích, xu hướng tự do hóa thương mại trong những năm gần đây dẫn đến xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, với những thách thức và mức độ khác nhau.
Xu thế bảo hộ và xung đột thương mại thể hiện rõ nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới. Khi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng tham gia bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, trước áp lực gia tăng hàng NK. Trên thực tế, số vụ PVTM hàng hóa XNK từ Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
“Tính đến hết 12/2022 thì hàng hóa XK cuả Việt Nam là đối tượng của 227 vụ điều tra liên quan đến PVTM. Riêng 2022 là 17 vụ do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ, có thể thấy không chỉ những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như gỗ, cá tra, ba sa, tôm, da giày, dệt may, thép... mà những mặt hàng có kim ngạch XK nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, giấy, thuốc lá… cũng đang bị điều tra PVTM”, bà Sa nói.
Các vụ việc điều tra PVTM mà EU tiến hành với hàng hóa XK từ Việt Nam đến nay là 14 vụ (6 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 1 vụ việc tự vệ, 6 vụ việc chống lẩn tránh). Điều đáng mừng là trước 2005 nhiều vụ việc bị EU điều tra PVTM nhưng càng về sau thì giảm đáng kể. Từ 2018 đến nay chưa có vụ việc mới.
Các sản phẩm của Việt Nam bị EU điều tra: Thép, xe nâng, bật lửa ga, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, mì chính, sợi polyester, giày dép, xe đạp, ốc vít, giày mũ da… Trong 14 vụ, hiện Việt Nam chỉ còn 1 vụ việc cần phải ứng phó với cơ quan điều tra của EU là vụ việc tự vệ với sản phẩm thép, áp dụng từ 2019 và vừa mới gia hạn đến tháng 6/2024.
Bà Nguyễn Việt Hà – cán bộ Phòng pháp chế, Cục PVTM cho rằng, các biện pháp PVTM do nước NK tiến hành, mục đích là hạn chế hàng NK để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cuả họ. Sau khi thực hiện 2 FTA là EVFTA và UKVFTA thì hàng hóa XK của Việt Nam tăng đáng kể. Với mức gia tăng XNK giữa các đối tác như vậy thì khả năng các nước sử dụng công cụ hữu hiệu của mình để bảo vệ ngành sản xuất trong nước rất là dễ hiểu, chúng ta có thể lường trước nguy cơ này.
Bà Nguyễn Trang Nhung - cán bộ Phòng xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM lưu ý đến các DN: Sau khi nhận được bảng câu hỏi từ cơ quan điều tra của EU, các DN cố gắng trả lời đầy đủ, chính xác thông tin và nộp lại đúng thời hạn theo yêu cầu. Nếu DN không tham gia vụ việc PVTM hoặc không đáp ứng những yêu cầu trên thì chúng ta sẽ bị coi là bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ. Khi đó cơ quan điều tra có cớ để áp dụng mức thuế bất lợi sẵn có, thường sẽ rất cao. Như vậy thì cơ hội để các DNXK của Việt Nam XK sang thị trường đó sẽ còn rất ít hoặc thậm chí không còn nữa.
Theo Báo Công An Nhân dân