Sóc Trăng: Quyết tâm biến cảng Trần Đề thành trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh Sóc Trăng đang tích cực thực hiện các công việc cần thiết để biến cảng nước sâu Trần Đề thành trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trình Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cảng Trần Đề, với số vốn ngân sách cho giai đoạn khởi động hơn 19.400 tỷ đồng.

Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, định hướng phát triển và nguồn vốn thực hiện dự án cảng biển Trần Đề, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Thưa ông, dự án cảng Trần Đề dự kiến cần tổng vốn đầu tư bao nhiêu? Được biết, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 19.400 tỷ đồng cho dự án cảng biển Trần Đề. Xin ông chia sẻ về lý do đưa ra kiến nghị này?

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn khởi động của dự án ước tính khoảng 44.695 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 19.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các hạng mục quan trọng như xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; xây dựng cầu vượt biển; xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay. Phần còn lại, khoảng 25.290 tỷ đồng (chiếm 57%), cần huy động từ các doanh nghiệp và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng logistics, khu dịch vụ hậu cần cảng và cơ sở hạ tầng khu bến cảng.

Tuy nhiên, đây là dự án lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên ngoài nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh Sóc Trăng cần Trung ương hỗ trợ để đảm bảo xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và giao thông công cộng. Cảng Trần Đề sẽ giúp Sóc Trăng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư mạnh mẽ như các khu bến cảng lớn khác của cả nước.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Báo NLĐ

Ông có thể chia sẻ về mục tiêu chính của dự án cảng nước sâu Trần Đề?

Dự án xây dựng cảng nước sâu Trần Đề tại Sóc Trăng có mục tiêu chiến lược trong việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm logistics quan trọng, hỗ trợ quá trình xuất nhập khẩu và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 - 160.000 DWT, cảng Trần Đề sẽ giúp khu vực giảm sự phụ thuộc vào các cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản, thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và dịch vụ logistics, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ trong khu vực. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần duy trì ổn định khu vực ven biển của Việt Nam. Việc kết nối cảng với các tuyến quốc lộ và cao tốc đang được xây dựng sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tạo điều kiện để khu vực này hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề. Ảnh: Báo SGGP

Có những hạng mục nào sẽ được ưu tiên triển khai trong giai đoạn đầu của dự án, thưa ông?

Giai đoạn đầu của dự án tập trung xây dựng các hạng mục thiết yếu để đảm bảo hoạt động của cảng, bao gồm hệ thống cầu vượt biển, đê chắn sóng, vũng quay tàu và hệ thống đường kết nối từ cảng đến mạng lưới giao thông nội vùng. Những hạng mục này không chỉ đảm bảo an toàn hàng hải mà còn giúp tăng cường khả năng vận tải cho khu vực.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật cho khu vực hậu cần cảng, bao gồm bến cảng, cầu cảng, khu vực dịch vụ và kho bãi.

Theo ông, lợi thế của cảng Trần Đề là gì trong việc phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản lớn của cả nước, tuy nhiên, chi phí logistics hiện đang ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ khu vực này. Với hệ thống cảng biển tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long phải di chuyển qua quãng đường dài, làm tăng đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển. Khi cảng Trần Đề đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, qua đó, gia tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa khu vực.

Cảng Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ của vùng, có thể tiếp nhận các loại tàu tổng hợp, tàu container với trọng tải lên đến 100.000 DWT và tàu hàng rời 160.000 DWT, hứa hẹn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn vùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng xem quy hoạch chi tiết cảng biển Trần Đề. Ảnh: Chí Bảo

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của cảng, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch gì trong việc kết nối giao thông, thưa ông?

Cảng Trần Đề sẽ được kết nối với mạng lưới giao thông chính của khu vực thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, Quốc lộ 60 và hệ thống đường thủy từ cửa sông Hậu. Đặc biệt, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đang được xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Châu Đốc (An Giang) đến cảng Trần Đề chỉ còn từ 90 đến 120 phút. Đây là tuyến đường chiến lược, giúp tăng cường kết nối và thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long qua cảng Trần Đề.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư của dự án cảng Trần Đề?

Với quy hoạch tổng diện tích khoảng 5.400 ha, bao gồm 1.400 ha khu vực bến cảng ngoài khơi và 4.000 ha cho dịch vụ hậu cần và logistics, cảng Trần Đề sẽ có tiềm năng thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Tôi tin rằng, khi cảng Trần Đề đi vào hoạt động, không chỉ giúp Sóc Trăng mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ:


Cộng tác viên
Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục