Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia ghi nhận nhiều tiến triển

Bất chấp hoạt động thương mại quốc tế đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Australia ghi nhận nhiều tiến triển, bước đầu "chinh phục" thành công một trong những thị trường khó nhất thế giới, phản ánh mối quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Chú thích ảnh

Khách hàng Australia chọn mua vải tươi có xuất xứ từ Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đánh giá dù còn nhiều việc phải làm, song đến nay, có thể khẳng định uy tín, niềm tin vào thương hiệu Việt Nam đang ngày một tăng tại Australia, sau khi Thương vụ Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Australia trong nhiều năm qua và những nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Australia liên tục khởi sắc. Tính chung  9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng các sản phẩm nông sản tăng hơn 32%, cụ thể, các mặt hàng rau quả tăng 32,27%, thủy sản tăng 22,48% và gạo tăng 25,43%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Australia thời gian qua chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, song vẫn ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn. Điều này tiếp tục khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo nói riêng, cũng như các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung tại thị trường Australia.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Hòa cũng cho biết Việt Nam và Australia vừa hoàn tất ký kết Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế giữa hai nước, với mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD, hứa hẹn mở thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường Australia trong thời gian tới. Theo ông, Việt Nam đã làm tốt công tác phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước thông qua nhiều đề án, chương trình giúp nâng cao năng lực, hiểu rõ và tận dụng tối đa ưu thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong bối cảnh các hiệp định đa phương, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã và sẽ sớm có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thiết lập trang thông tin điện tử chuyên sâu về các FTA nhằm cung cấp thông tin, giải thích cam kết, cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp. 

Riêng đối với thị trường Australia, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã cho ra mắt ứng dụng Viet-Aus Trade vào năm 2020. Đây là công cụ nhằm cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, thông tin về cơ hội đầu tư, sản phẩm hình thành chuỗi cung ứng và kết nối quảng bá địa phương. Trên ứng dụng này, các doanh nghiệp có thể tra cứu thuế theo các FTA, qua đó so sánh và tận dụng thuế quan, đồng thời có thể liên hệ trực tiếp với Cơ quan Thương vụ để tìm kiếm thông tin và hỗ trợ những vướng mắc phát sinh.

Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chú trọng việc làm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hướng tới việc được hưởng quyền miễn giảm thuế hàng hóa xuất khẩu theo các FTA.

Theo Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa, để thích ứng với điều kiện mới hậu đại dịch, các doanh nghiệp giữ vững chất lượng sản phẩm, kể cả khi không còn dịch bệnh bởi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu. Ông nhấn mạnh Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Đây cũng là là một thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú. Người dân Australia có mức sống thuộc tốp đầu của thế giới, sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng hoa quả, thực phẩm giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm. Chính vì vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành. 

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn.

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến thị trường và tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin của Bộ Công Thương và trên ứng dụng của Thương vụ để nắm bắt tình hình, qua đó có sự chuẩn bị trước cho các tình huống phát sinh.

(Theo TTXVN)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục