Lồng nuôi bằng vật liệu HDPE: 'Chìa khóa' nuôi trồng thủy sản bền vững

Cơn bão số 9 năm 2021 đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với người nuôi tôm hùm, cá biển tại xã Cam Bình (TP. Cam Ranh). Thêm một lần nữa, việc chuyển đổi từ lồng, bè nuôi bằng vật liệu gỗ truyền thống sang vật liệu HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững lại được đặt ra.

Theo ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình, người dân trên địa bàn xã bắt đầu nuôi tôm hùm từ năm 1992. Đến nay, toàn xã có đến 95% dân số nuôi trồng thủy sản, với 456 bè nổi, 18.000 lồng nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên, người nuôi tôm hùm vẫn chủ yếu sử dụng lồng, bè gỗ truyền thống nên mỗi khi mưa bão bị thiệt hại rất nặng nề. Như cuối năm 2021, cơn bão số 9 đã làm 86 bè nổi, 2.541 lồng nuôi tôm hùm và cá biển bị thiệt hại lên đến 395 tỷ đồng. Không chỉ vậy, hậu quả của cơn bão để lại còn rất lớn, đến nay, người dân địa phương vẫn đang khắc phục. Một số hộ gặp khó khăn không đủ vốn để tái đầu tư nuôi mới. Địa phương mong muốn ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp có hướng hỗ trợ người dân chuyển đổi từ nuôi tôm bằng lồng, bè gỗ sang vật liệu khác, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên biển.

Chú thích ảnh

Người nuôi tôm hùm tại Bình Hưng (xã Cam Bình) chủ yếu sử dụng lồng, bè gỗ.

Thực tế, thời gian qua, việc chuyển đổi nuôi trồng thủy sản từ lồng nuôi truyền thống sang vật liệu mới, công nghệ nuôi hiện đại luôn được cơ quan chức năng và UBND TP. Cam Ranh khuyến khích. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND TP. Cam Ranh và Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát tổ chức hội thảo về nuôi tôm hùm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giới thiệu đến người nuôi thủy sản những xu hướng nuôi mới, có thể thích ứng được với sóng to gió lớn. Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới đang ứng dụng lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ lên đến 50 năm. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Khánh Hòa cũng đã áp dụng lồng nuôi vật liệu HDPE rất hiệu quả. Để nuôi trồng thủy sản bền vững, người nuôi tôm tại Cam Ranh cũng như tại Khánh Hòa nên tính toán chuyển đổi sang sử dụng vật liệu này.

Được biết, để người dân mạnh dạn chuyển đổi, trong tháng 2, Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát sẽ phối hợp với 1 hộ dân ở thôn Bình Hưng, xã Cam Bình triển khai mô hình thí điểm nuôi đa tầng, kết hợp nuôi tôm, cá với rong biển, phục vụ du lịch. Đây sẽ là nơi để người dân tham quan, nắm bắt thực tế. Công ty cũng sẽ có những chính sách giá ưu đãi để khuyến khích người dân thôn Bình Hưng chuyển đổi lồng, bè nuôi sang sử dụng loại vật liệu mới này.

Mặc dù người nuôi tôm hùm tại xã Cam Bình đều cho rằng việc chuyển đổi là bước đi phù hợp để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng trị giá đầu tư cho mỗi lồng nuôi bằng vật liệu HDPE gấp 4-5 lần so với gỗ truyền thống, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn là khó khăn của hầu hết người nuôi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Cam Ranh nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư những mô hình trình diễn công nghệ lồng nuôi HDPE tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh để người dân tham quan, học tập, tính toán việc chuyển đổi lồng nuôi sang vật liệu HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm 2022, sở còn tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất để người dân vay vốn chuyển đổi lồng nuôi bằng gỗ sang vật liệu HDPE”.  

(Theo báo Khánh Hòa)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục