Theo đại diện Phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Liên minh châu Âu là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Ngày 9/8, tại thành phố Cần Thơ, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị phổ biến, chuẩn bị chương trình, nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu (dự kiến diễn ra từ 24/9 - 17/10/2024) cho đại diện các địa phương, doanh nghiệp.
Cơ quan thực thi các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE) đã thông báo chính thức về lịch thanh tra chương trình dư lượng tại Việt Nam (thủy sản nuôi và mật ong) từ ngày 24/9 - 17/10/2024, theo hình thức "hybrid" (bao gồm đánh giá từ xa và đánh giá thực địa).
Mục đích thanh tra nhằm đánh giá hoạt động chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU (thủy sản nuôi và mật ong); thẩm tra độ tin cậy về việc Việt Nam bảo đảm hàng hóa nêu trên xuất khẩu vào EU không chứa dư lượng theo quy định của EU; thẩm tra Việt Nam có tiếp tục đáp ứng các yêu cầu tại các quy định của EU về kế hoạch kiểm soát dư lượng theo quy định của EU.
Theo đại diện Phòng An toàn thực phẩm, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Liên minh châu Âu là một trong các thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Kết quả thanh tra tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chế biến xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
EU có phương pháp tiếp cận theo hướng kiểm tra, công nhận hệ thống. Do vậy, kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, các cơ sở liên quan mà ảnh hưởng đến toàn ngành thủy sản Việt Nam.
Kết quả thanh tra tiêu cực có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản không những sản thị trường EU mà sang cả các thị trường khác. Vì vậy, việc giữ vững uy tín, chất lượng thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU là tiền đề quan trọng để các thị trường khác chấp thuận và mở cửa đối với thủy sản Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thủy sản,... đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp, phương án để cơ quan các cấp, các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản chuẩn bị tốt các hồ sơ, tài liệu, giải pháp khắc phục cảnh báo cho Đoàn thanh tra Liên minh châu Âu sang thanh tra, kiểm tra.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, việc khắc phục những cảnh báo của EU đối với nuôi thủy sản là rất khó nhưng vẫn phải nỗ lực để khắc phục, tháo gỡ nếu không sẽ đánh mất thị trường.
Để làm được điều này, ông Tiệp cho rằng, vai trò của địa phương, doanh nghiệp, người dân và người dân rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, trong Luật An toàn thực phẩm, trách nhiệm sử dụng nguyên liệu để chế biến thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không kiểm soát được là do doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể đổ lỗi do người dân. Doanh nghiệp mua nguyên liệu của người dân phải có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ để người dân cung ứng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
"Mặc dù, doanh nghiệp có đội đi mua hàng, lấy mẫu test nguyên liệu trước khi mua nhưng việc lấy mẫu test chắc chắn không bao giờ kiểm soát được an toàn thực phẩm. Muốn kiểm soát được an toàn thực phẩm thì phải kiểm soát cả quá trình. Doanh nghiệp phải theo sát người nuôi nguyên liệu (hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp nuôi,...) cho doanh nghiệp," ông Tiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý tất cả doanh nghiệp (đặc biệt là những doanh nghiệp có lô hàng cảnh báo) phải có hồ sơ kiểm soát môi trường, hồ sơ kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh tại doanh nghiệp, hồ sơ khắc phục cảnh báo. Các hồ sơ này phải khớp với hồ sơ tại cơ quan địa phương, cơ quan trung ương (hồ sơ điều tra phát hiện, hồ sơ điều tra xác định nguyên nhân, hồ sơ khắc phục).
Đối với các doanh nghiệp đã có lô hàng cảnh báo, nếu không có đủ hồ sơ sẽ không được xuất khẩu trở lại hoặc bị áp dụng biện pháp tăng cường. Dù có những quy định mới gây khó khăn nhưng đã xuất khẩu sang thị trường nào thì phải đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường đó.
Về phía nhà nước, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin định hướng triển khai đến các đơn vị, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EU.
Đề nghị các địa phương, doanh nghiệp khi tiếp nhận các văn bản cập nhật thông tin định hướng triển khai kế hoạch nên đọc kỹ và làm theo yêu cầu hướng dẫn, nhằm tránh xảy ra sự cố khi Đoàn thanh tra EU sang kiểm tra.
Chẳng hạn, trước đây quy định doanh nghiệp khi đăng ký xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu chỉ cần đăng ký tên doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm cuối cùng xuất khẩu. Nhưng hiện nay, trừ vùng nuôi, tổ cá thì những cơ sở cung ứng, bảo quản, sơ chế cũng phải đăng ký.
Ngoài ra, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng sẽ tổ chức đi kiểm tra, rà soát thực trạng giúp các doanh nghiệp, địa phương chuyển biến tốt.
Các địa phương lưu ý kiểm tra danh mục, nhãn mác, thành phần thuốc thú y, chế phẩm sinh học tại các cửa hàng bán lẻ thuốc; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường quản lý chặt các phòng kiểm nghiệm dư lượng hóa chất, kháng sinh trong mẫu tôm, cá; các doanh nghiệp lưu ý lựa khi chọn phòng kiểm nghiệm mẫu;...
Theo Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của Cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE), các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh đang tăng nhanh ở mức nghiêm trọng.
Tỷ lệ mẫu vi phạm trong chương trình giám sát dư lượng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm, không được phép sử dụng vẫn được phát hiện sử dụng trên thủy sản./.
Theo Vietnam Plus