EU tăng cường kiểm tra mức dư lượng MRL

Cảnh báo 1: EU tăng cường kiểm tra mức dư lượng MRL

Như Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã thông báo trước đây, ngày 13 tháng 5 vừa qua, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và để đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bãi bỏ Quy định (EU) 2021/601. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong phụ lục I của Quy định. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…

Hiện nay, không chỉ EU mà các nước Bắc Âu không thuộc EU (như Na Uy, Iceland) đang tăng cường các chương trình kiểm tra theo quy định này. Gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất theo chương trình này. Hexaconazole và Tricyclazole thường vượt ngưỡng trong các sản phẩm vi phạm.

Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ (có lô hàng được nhập khẩu từ đầu năm 2021). Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, TV. Tiếp theo, các mặt hàng tương tự của doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu với các lô hàng tiếp theo.

Việc thu hồi sản phẩm vi phạm và đăng tin rộng rãi sẽ ảnh hưởng uy tín không chỉ của doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam.

Thương vụ xin thông báo để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng lưu ý để tránh các rủi ro không đáng có.

Cảnh báo 2: Doanh nghiệp lừa đảo

Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy thông báo, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo.

Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, các công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên tiến hành gấp sợ lỡ cơ hội, không chịu kiểm tra kỹ thông tin về đối tác… mà các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của các nước khác, nhất là từ các nước đang phát triển. Cảnh sát Na Uy cho biết đã được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua, và cho rằng con số thực tế còn lớn hơn. Cảnh sát Na Uy cho biết một số website mà đối tượng lừa đảo đã sử dụng như sau:

www.espevaerlaks.com

www.viemkcofisk.com

www.inkanorge.com

www.sunseaseafood.com

www.hansonfishingas.com

www.fjoksak.com

www.torsvagbruket.com

www.verager.pl

www.alincoas.com

www.langenesas.com

www.diamondshipping.org

www.norwegian-seafoodsupply.com

www.aschumsseafoodab.com

www.kjpedesen.com

www.sjotrollhavbrukas.com

Cảnh sát đưa ra một số dấu hiệu cần chú ý có thể là lừa đảo như sau:

  • Đối tác muốn trao đổi qua Whatsapp hoặc Skype;
  • Tài khoản thanh toán thuộc ngân hàng nằm ngoài Na Uy;
  • Trao đổi qua thư điện tử không phải của các doanh nghiệp, bằng thư công cộng như gmail;
  • Mã số thuế VAT trên website là 10 ký tự (Các công ty Na Uy có mã số thuế 9 ký tự);
  • Website của công ty có tên miền không kết thúc với đuôi .no;
  • Website của công ty không có phiên bản tiếng Na Uy.

(Trên đây mới chỉ là dấu hiệu có thể là lừa đảo, không có các dấu hiệu trên không có nghĩa không phải là lừa đảo).

Để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, cảnh sát Na Uy khuyến cáo khi trao đổi giao dịch nên đề nghị đối tác dùng video conference và lưu lại. Các công ty có thật không ngại vấn đề này, còn đối tượng lừa đảo thường từ chối tiếp xúc lộ diện.

Các công ty Việt Nam khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh cẩn thận về đối tác để việc hợp tác, giao dịch được đảm bảo hơn.

Theo vietnordic

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục