Ngày 25/9/2021, 08 Hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA), và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Giao thông Vận tải để góp ý Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”.
Trong văn bản góp ý, các Hiệp hội cho biết để thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch tốt, vừa phục hồi được sản xuất kinh doanh, tiến tới chung sống lâu dài với dịch bệnh, các Hiệp hội xin gửi một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”:
Dự thảo khá rõ ràng khi đưa ra 5 chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, các Hiệp hội cho rằng Dự thảo này còn có một số vấn đề lớn, do chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo, và nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero Covid” chứ chưa hoàn toàn là “Sống chung với Covid” nên chưa phù hợp, cụ thể là:
1. Thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết.
2. Nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn.
3. Chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn)
4. Nhiều quy định chỉ phù hợp với chủ trương cũ Zero Covid, chưa phù hợp với chủ trương “sống chung với dịch”, chưa phù hợp với mức độ phủ vắc xin và năng lực y tế, ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Từ đó, các Hiệp hội xin góp ý và đề xuất với Thủ tướng “ÁP DỤNG LINH HOẠT 2 CHIẾN LƯỢC ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH VÀ PHỤC HỒI KINH TẾ”.
A. CHIẾN LƯỢC CHO GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022, vùng nào phủ vắc xin sớm hơn thì mở cửa sớm hơn).
B. GIAI ĐOẠN SỐNG CHUNG VỚI VIRUS (dự kiến từ giữa quý 1/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn).
Các Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng quan tâm xem xét chỉ đạo để bên cạnh công tác chống dịch theo tiếp cận mới, các DN có thể nhanh chóng khôi phục lại được hoạt động SX góp phần cùng Chính phủ đảm bảo 03 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội.
Nội dung chi tiết văn bản góp ý của 8 Hiệp hội, xin xem tại đây