Khơi thông điểm nghẽn, sản xuất phục hồi

Tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, Sóc Trăng đã chuyển sang trạng thái bình thường mới và nhiều tỉnh, thành trong khu vực bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, nên hoạt động vận chuyển, đi lại ngày càng thông thoáng hơn, lực lượng lao động trở lại làm việc ngày càng nhiều hơn, giúp cho sản xuất, kinh doanh có cơ hội phục hồi sớm hơn.

Theo ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm, đại lý và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn. Nguyên nhân chính theo ông Huy chính là tình trạng thiếu hụt lao động (thu hoạch và chế biến) và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi cũng như tôm thương phẩm gặp khó khăn, nên giá tôm có lúc giảm từ 40 - 50% so với lúc chưa có dịch, còn bình quân chung cũng đã giảm khoảng 20 - 30%, khiến người nuôi tôm lo lắng không biết có nên thả nuôi tiếp hay không, dù thông tin từ doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ tôm thế giới vẫn rất tốt. Thua lỗ và lo lắng là tâm trạng chung của nhiều hộ nuôi tôm thời gian qua dù phần lớn đều nuôi đạt năng suất và sản lượng khá cao.

Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, vụ tôm năm nay khá thuận lợi, nên sản lượng tăng khá nhưng điều lo lắng nhất là giá tôm lại giảm sâu nên thành công cũng không được trọn vẹn như mong đợi.

Khơi thông điểm nghẽn sản xuất phục hồi
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 9 và đặc biệt là sau ngày 15-9 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sức tiêu thụ nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long đã được cải thiện và phục hồi đáng kể. Từ đầu tuần thứ 2 của tháng 9, giá tôm bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại và gần như mỗi ngày đều thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn mức giá của ngày trước từ 2.000 – 5.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm. Đáng phấn khởi hơn là trong những ngày gần đây, tôm cỡ nhỏ cũng có sức tiêu thụ mạnh hơn và bắt đầu tăng giá. Không chỉ có con tôm, vụ lúa Hè – Thu dù vào giai đoạn thu hoạch rộ vẫn có được mặt bằng giá và sức tiêu thụ ổn định ở mức có lợi cho nhà nông.

Đối với các doanh nghiệp, nỗi lo thiếu hụt lao động cũng vơi dần theo đà mở rộng của vùng xanh, nên công tác đảm bảo y tế cũng được thiết lập chặt chẽ hơn khi số lao động trở lại làm việc ngày một đông hơn. Theo các doanh nghiệp, hiện số lao động trở lại làm việc đã cơ bản đáp đáp ứng yêu cầu sản xuất nên công suất cũng tăng lên đáng kể, góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, sau khi việc đi lại, vận chuyển được tháo gỡ, Vinacleanfood bắt đầu mở rộng thu mua tôm sang một số địa phương trong khu vực để đảm bảo nguyên liệu đủ cho công suất hoạt động theo số lượng công nhân hiện có.

Giá tôm và một số mặt hàng nông, thủy sản khác tăng không chỉ do các điểm nghẽn giãn cách xã hội được khơi thông mà còn có nguyên nhân nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng và đặc biệt là áp lực giao hàng phục vụ dịp Noel và lễ, tết cuối năm của các doanh nghiệp. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, tới đây sẽ xuất hiện một cuộc cạnh tranh về giá để thu gom nguyên liệu, đảm bảo giao đủ và đúng thời gian theo hợp đồng đã ký kết. Hiện tôm thẻ loại 20 con/kg được các nhà máy ở Sóc Trăng như: Stapimex, Khánh Sủng… niêm yết mức giá thấp nhất là 233.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 145.000 đồng/kg, loại 50 con/kg cũng lần đầu tiên vượt lên mức 113.000 đồng/kg. Điều đáng phấn khởi hơn là giá tôm thẻ cỡ nhỏ (55 - 100 con/kg) cũng bắt đầu tăng.

Đối với mặt hàng mũi nhọn của tỉnh là con tôm, dù đã được dự báo từ trước, nhưng tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu trong những tháng cuối năm, thậm chí là kéo dài đến hết quý I năm 2022 là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người nuôi tôm thua lỗ trong vụ nuôi vừa qua, cùng với diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp khiến người nuôi tôm không yên tâm thả nuôi tiếp. Do đó, từ đầu tháng 9 đến nay, bên cạnh việc tăng tốc liên hệ với lao động các vùng xanh trở lại làm việc, các doanh nghiệp trong tỉnh Sóc Trăng còn tăng cường thu mua tôm nguyên liệu sang các tỉnh trong khu vực để đảm bảo đủ nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm cũng như có thêm dự trữ cho những tháng đầu năm. Cái hay của các doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng là trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”, do thiếu hụt lao động nên phần lớn đều giảm mặt hàng chế biến sâu, để tập trung phần lớn làm hàng thô nhằm tăng nguồn hàng dự trữ ở giai đoạn tôm tăng giá.

Một doanh nghiệp tiết lộ: “Do số lao động “3 tại chỗ” ít nếu làm hàng chế biến sâu nhiều, công suất sẽ giảm, còn làm hàng thô nhiều trong thời điểm tôm giá rẻ này sẽ lợi thế hơn nhờ tăng được lượng tôm thu mua và công suất chế biến, nên có tôm dự trữ nhiều hơn”.

Làn sóng cạnh tranh tôm nguyên liệu nói riêng và một số mặt hàng nông, thủy sản khác nói chung tới đây chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ và gay gắt hơn nữa và nói như một doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng thì đây sẽ là đợt cạnh tranh không khoan nhượng để một mặt vừa đảm bảo đúng hẹn hợp đồng giao cuối năm đã ký trước đó, mặt khác cũng nhằm tranh thủ thêm cơ hội còn lại của năm để bù đắp vào những tháng sụt giảm công suất và doanh số. Các dự báo hiện tại hầu hết đều nghiêng về khả năng gần như chắc chắn giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng và kéo dài ít nhất cho đến hết quý I năm 2022. Còn một số mặt hàng nông, thủy sản chủ lực khác cũng sẽ được tiêu thụ tốt hơn, giá cả được cải thiện nhiều hơn khi các tỉnh, thành phía Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 trước tháng 10. Đây thực sự là một thông tin tốt lành và cũng là cơ hội đáng để nông dân nói riêng và người nuôi tôm tham khảo nhằm tranh thủ nắm bắt cơ hội thị trường từ nay đến hết quý I năm sau.

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục