Nới trần giờ làm thêm: Cả doanh nghiệp và người lao động mong chờ

Những quy định mới về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp cũng như người lao động.

Nới trần giờ làm thêm Cả doanh nghiệp và người lao động mong chờ

Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ, nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Ngành may mặc rất cần lao động tăng giờ làm thêm do cần đáp ứng tiến độ đơn hàng mùa vụ, ngoài ra năm nay còn đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt lao động và chậm sản xuất do thiếu hụt nguyên phụ liệu. Theo doanh nghiệp, việc tăng trần giờ làm thêm lên 60 giờ 1 tháng là phù hợp với tình hình thực tiễn.

"Thời gian làm thêm tăng từ 40 giờ tăng lên 60 giờ 1 tháng. Phần đông người lao động cũng mong được tăng giờ làm", ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết.

"Doanh nghiệp cũng giải quyết được nhiều vấn đề về chi phí, kịp đơn hàng và điều tiết tốt cho sản xuất khi lượng đơn hàng tăng và giảm, không thêm tăng thêm lượng công nhân. Đấy là cái tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh", bà Trần Thị Thu Hàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland, cho hay.

Còn với công nhân, sau một thời gian dài làm việc kết hợp nghỉ dịch bệnh và thu nhập có phần bị giảm, họ cũng mong muốn làm thêm để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

"Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi rất muốn làm thêm giờ trong tháng hoặc trong ngày, thêm 1 - 2 tiếng để có thêm thu nhập", chị Nguyễn Thị Thương, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, bày tỏ.

"Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi làm thêm 1 tiếng, nhưng trong thời gian COVID-19 nghỉ nhiều rồi, chúng tôi cũng muốn tăng ca thêm, thêm tiếng để có thêm thu nhập", chị Đinh Thị Huyền, công nhân đóng gói Công ty cổ phần Woodsland, chia sẻ.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, doanh nghiệp ngành dệt may đang thiếu hụt từ 5 - 10% lao động tùy theo từng địa phương. Điều chỉnh giờ làm thêm sẽ góp phần ý nghĩa để phục hồi kinh tế.

"Quốc hội điều chỉnh như vậy thì phù hợp với xu thế của đất nước trong phục hồi kinh tế. Thứ hai là bắt kịp khả năng thích ứng của ngành dệt may với thị trường thế giới", Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang đánh giá.

Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4, riêng quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm đã có hiệu lực thi hành từ ngày đầu năm nay.

Chia sẻ:


Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục