Bộ LĐTB&XH đã đề xuất Thủ tướng, Chính phủ tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của DN, người lao động (NLĐ); nhưng cũng có không ít người băn khoăn vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân lao động
Người lao động muốn làm thêm giờ?
Trong Tờ trình số 138/TTr-LĐTBXH gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong một tháng và số giờ làm thêm trong một năm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH đã có giải thích. Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó đợt thứ nhất và thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Điều 107, Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được phép thỏa thuận với NLĐ làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc được làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm.
Tuy nhiên, hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các DN cần có cơ chế chính sách để dồn lực cho sản xuất cũng như hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế cũng như nông sản, thủy sản, hải sản. Do đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ và Thủ tướng điều chỉnh quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động cho phép NSDLĐ áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng là 72 giờ và không quá 300 giờ trong một năm trong khoảng thời gian nhất định.
Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng giờ làm thêm ở tất cả các ngành nghề.
Đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng của Bộ LĐTB&XH nhận được sự đồng tình của các hiệp hội, tổ chức Công đoàn đại diện cho NLĐ bởi bây giờ công suất của các nhà máy làm được từ 60 – 80%, chưa đạt 100% vì thiếu công nhân trong khi vừa phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid nên khó đáp ứng được tiến độ của đơn hàng.
Chủ tịch Công đoàn, quyền Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Nguyễn Minh Sơn cho rằng, rất khó để DN có thể đáp ứng được sản lượng sản xuất mà không bị chạm đến ngưỡng số giờ làm thêm đã được Chính phủ quy định trong luật. Nếu đề xuất nới thời gian làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng được Chính phủ đồng ý cũng là phù hợp với điều kiện hiện tại. Bởi vì, công ty rất khó đảm bảo đơn hàng, khi không đáp ứng được năng lực về con người, dây chuyền có hạn.
Thực tế, mức thu nhập của NLĐ chưa được cao nên họ cũng muốn tăng ca sau giờ làm việc tiêu chuẩn. NLĐ làm thêm giờ được trả lương 150% vào ngày thường, 200% ngày nghỉ và được ăn một bữa cơm tại công ty (khi làm thêm 3 tiếng) rồi mới đi về nghỉ ngơi. Bởi vậy, khi biết thông tin đề xuất tăng làm thêm giờ, chị Bùi Thị Hường - công nhân bộ phận kiểm tra sản phẩm Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa phấn khởi nói: Công nhân ai cũng muốn làm thêm để tăng thu nhập, nhất là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn thế này. Trước đây, khi tôi không làm thêm được 8 triệu đồng/tháng lương cơ bản nhưng làm thêm các ngày thường và thứ Bảy, Chủ nhật thu nhập đạt 13 – 14 triệu đồng và được công ty cho bữa cơm tối.
Chỉ tăng ca những ngày giải quyết gấp đơn hàng
Về nguyên tắc, từ xưa đến nay, người ta chỉ đấu tranh tăng lương giảm giờ làm, chứ không ai bàn tới tăng thời gian làm thêm. Bộ luật Lao động 2019 quy định làm thêm từ 200 giờ lên 300 giờ/năm và không quá 40 giờ/tháng. Nay Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng, đồng nghĩa với bình quân mỗi ngày NLĐ làm thêm 2,76 giờ (1 tháng làm 26 ngày); các chuyên gia lao động cho rằng những người làm ở bộ phận sản xuất khó có thể kham được. Như vậy, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ và không đảm bảo làm việc trong những ngày tiếp theo.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, nếu làm 10 tiếng/ngày thì công nhân làm thêm buổi sáng một tiếng, buổi chiều một tiếng, sẽ không có vấn đề. “NLĐ làm ra sản phẩm nên DN rất chăm lo và tìm mọi cách để bảo vệ. DN chỉ tăng ca những ngày cần giải quyết gấp đơn hàng, các hôm sau đó sẽ cho NLĐ làm việc theo giờ quy định để có thời gian nghỉ ngơi. Về phía NLĐ cũng suy nghĩ đến sức khỏe bản thân nên họ chỉ muốn mỗi ngày làm thêm 1 – 2 tiếng để có thêm thu nhập lo cho gia đình, con cái” - bà Thu Sắc nhấn mạnh.
Nới làm thêm giờ chỉ mang tính chất giải quyết tình thế, trong thời gian ngắn là quan điểm của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân. Bởi Bộ Luật Lao động 2019 đã quy định về thời gian làm thêm rất khó thay đổi. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xảy ra đột xuất nên các DN rất mong muốn có sự linh hoạt về số giờ làm thêm để giúp tháo gỡ khó khăn. Hơn nữa, làm thêm giờ phải được NLĐ đồng tình, chứ DN không thể ép buộc.
“Nếu Chính phủ cho phép tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng thì tốt quá, để chúng ta tận dụng những đơn hàng nước ngoài đang đưa về Việt Nam rất nhiều và sẽ là cơ hội rất tốt trong quá trình tiếp theo. Trường hợp DN không đáp ứng được đơn hàng, đối tác lại chuyển qua nước khác sẽ mất cơ hội tăng năng lực sản xuất của mình đối với sản phẩm xuất khẩu da giày nói riêng và sản phẩm thế mạnh của Việt Nam nói chung” – bà Thanh Xuân giải thích.
Cũng có những ý kiến đại diện cho tổ chức Công đoàn ở DN cho rằng, hiện nay các công ty chỉ tổ chức làm thêm vào ngày bình thường khi có đơn hàng mang tính đột xuất. Khi DN tổ chức làm thêm ngày Chủ nhật thì sẽ bố trí cho NLĐ nghỉ bù vào ngày thường để đảm bảo trong một tháng có ít nhất 2 ngày nghỉ tái tạo sức lao động. Lại có ý khẳng định, kéo dài khung làm thêm giờ là để dự phòng tình huống cấp bách, DN không thực hiện được đúng kế hoạch sản xuất đề ra thì khi tăng ca công nhân không thắc mắc. Việc tăng ca có thuận lợi cho DN giao hàng đúng thời hạn nhưng hiệu quả giảm đi, nhất là đối với đơn vị làm gia công sản phẩm như dệt may. Vì DN phải trả lương cao hơn, chi phí tiền điện, lo bữa tối cho NLĐ trong khi giá thành sản phẩm không thay đổi.
Trong điều kiện dịch bệnh, các DN thiếu lao động, cần thực hiện đơn hàng gấp thì có thể chấp nhận giải pháp tình thế tăng thời gian làm thêm 72 giờ/tháng. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH cần nói rõ giải pháp tăng thời gian làm thêm này được thực hiện trong bao lâu.
Bởi nếu NSDLĐ áp dụng làm thêm 72 giờ/tháng, liên tục trong mấy tháng đến khi đủ 300 giờ/năm, liệu NLĐ còn đủ sức để làm việc? Và ai sẽ chăm sóc, dạy dỗ con cái của NLĐ trong thời gian họ làm thêm giờ, hậu quả là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề các DN cần quan tâm là nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động chứ không phải tăng cường kéo dài thời gian lao động.
PGS.TS Dương Văn Sao – Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
|
Không tăng làm thêm 400 giờ/năm
Bộ LĐTB&XH thông tin, một số Hiệp hội DN như Hiệp hội DN Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.
Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP, Bộ LĐTB&XH đã dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó điều chỉnh tăng tổng số giờ làm thêm của NLĐ ở tất cả các nhóm ngành, nghề, công việc nhưng vẫn đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.
|
(Theo Kinh tế Đô thị)