Tổng số giờ làm thêm với người lao động không quá 300 giờ/năm

(vasep.com.vn) Ngày 16/12/2015, Bộ Lao động Thương binh và XH (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính thời vụ và gia công theo đơn đặt hàng. Trong đó quy định về tổng số giờ làm thêm trong 1 năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2016.

Thông tư quy định, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.

Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 tuần của người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng tháng theo đơn đặt hàng không quá 64 giờ hoặc 48 giờ đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tổng số giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 32 giờ, riêng với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tối đa là 24 giờ.

Người sử dụng lao động được lựa chọn áp dụng giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần hoặc giới hạn giờ làm thêm theo tháng và phải ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm.

Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc, trong đó có sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; Gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu, bao gồm cả các ngành dệt, may, da, giày, lắp ráp linh kiện điện tử.

Trường hợp quyết định áp dụng giới hạn giờ làm thêm theo tháng thì đồng thời tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 tuần không quá 56 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 42 giờ.

Tổng số giờ làm thêm trong 1 năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.

Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sử dụng lao động phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.

Trước đó, ngày 3/7/2015, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị với chủ đề: “Đối thoại với Doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội”. Đại diện VASEP đã tham dự và có báo cáo, kiến nghị tại Hội nghị về những bất cập của chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội mà các DN thủy sản gặp phải, hầu hết liên quan đến quy định của Bộ Luật Lao động Việt Nam.

Tiếp theo, ngày 8/7/2015, VASEP cũng đã gửi Công văn số 121/2015/CV-VASEP gửi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và VCCI kiến nghị tháo gỡ khó khăn về chính sách và các quy định về lao động, tiền lương và BHXH.

Tại công văn này, VASEP đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa lại quy định làm thêm giờ quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 106 Luật Lao động 2012 theo hướng: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 50 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 500 giờ trong 01 năm”.

Bởi trong thực tế, tại các nhà máy chế biến thủy sản, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Do đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong con nước, ngoài con nước không phài ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ ngày. Hơn nữa, chủ DN cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động để DN phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận lương thêm trang trải cuộc sống.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM