Vùng nuôi cá tra VietGAP

Những năm gần đây, người nuôi cá tra tại ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu đã cho ra thị trường những lứa cá nuôi theo mô hình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt). Đây là kết quả sau khi thực hiện đề án Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản bền vững đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh.

Theo đánh giá của thương lái cũng như bà con nuôi cá tra, chất lượng cá đã được nâng lên sau khi thực hiện theo mô hình VietGAP. Giá cá tra tại vùng nuôi VietGAP ấp Vàm được trả cao hơn so với một số vùng lân cận.

* Những mùa cá sạch

Dù đã hình thành vùng chuyên canh nuôi cá tra tại ấp Vàm từ khoảng 10 năm nay, nhưng trước khi thực hiện mô hình VietGAP, việc nuôi trồng thủy sản của bà con trong vùng chỉ mang tính tự phát, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, không áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như trong khâu chọn giống và cách chăm sóc ao cá nên sản lượng cũng như chất lượng cá không cao, thiếu tính bền vững. Vấn đề về môi trường trong nuôi cá tra chưa được xử lý, dẫn tới nguy cơ rủi ro cho cá còn cao.

Để người nuôi cá ở ấp Vàm có thể nâng cao năng suất và bảo đảm các vấn đề về môi trường, thực hiện theo đúng quy trình tiêu chuẩn VietGAP, với sự hỗ trợ từ con giống đến kỹ thuật, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã cùng người dân bắt tay vào nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, người nuôi phải thực hiện các tiêu chí như: bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản...

Ông Nguyễn Văn Cảnh, một người nuôi cá tra tại ấp Vàm cho biết, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật mà 2 hécta ao nuôi cá tra của ông có sự thay đổi, nguồn nước bảo đảm, áp dụng tốt kỹ thuật nuôi cá tra theo mô hình VietGAP nên đến vụ thu hoạch, ao cá nhà ông được đánh giá chất lượng tốt, cá lớn hơn và màu da của cá cũng đẹp hơn...

Tương tự, ông Trương Văn Thành cũng đã có những mùa cá sạch sau khi thực hiện theo mô hình VietGAP cho diện tích ao nuôi cá tra rộng trên 6 hécta. So sánh sự khác biệt giữa cá tra nuôi truyền thống trước kia và nuôi theo VietGAP như hiện nay, ông Thành cho biết, do biết cách xử lý nguồn nước và kỹ thuật nuôi, chăm sóc ao, nguồn nước và con giống nên những năm gần đây, ao cá nhà ông luôn được bảo đảm, cá lớn nhanh. “Tuy nuôi cá theo mô hình VietGAP mất thời gian và chi phí cao hơn nhưng bù lại là sản phẩm sạch, được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao, tạo động lực để mọi người duy trì mô hình sản xuất này” - ông Thành cho biết thêm.

* Tìm đầu ra ổn định

Để người dân có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, Tổ hợp tác nuôi cá tra VietGAP được thành lập với 8 thành viên cùng canh tác trên diện tích tập trung là 51 hécta. Những hộ dân vùng cá tra ấp Vàm cho biết, trung bình mỗi hécta ao nuôi cá tra cho sản lượng khoảng 30 tấn cá/năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sản lượng này còn thấp hơn nhiều so với khả năng thực tế vì nếu đầu tư làm tốt, người nuôi có thể thu hoạch khoảng 100-120 tấn cá/hecta.

Cá tra thu hoạch được. Ảnh: M.Quân

Cá tra thu hoạch được

Ông Nguyễn Văn Liệt, thương lái thu mua cá tại khu vực ấp Vàm nhiều năm nay cho biết, chất lượng cá tra sau khi làm VietGAP được thị trường ưu chuộng hơn hẳn vì kích cỡ cá lớn, màu da trắng sạch không bị vàng như trước kia do nguồn nước được xử lý sạch sẽ. Hơn nữa, cá tra VietGAP khi đưa vào các công ty chế biến thủy sản cũng được chấp nhận dễ dàng hơn vì đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. “Cá tra ấp Vàm có chất lượng tốt hơn so với địa bàn khác của tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hiện nay bà con chỉ nuôi cầm chừng vì đầu ra còn ít, phụ thuộc vào thương lái. Nếu có được các hợp đồng lớn, tôi nghĩ bà con có cơ hội làm hết công suất, khi đó vùng nuôi cá tra ấp Vàm sẽ là vùng đặc sản của Đồng Nai” - ông Liệt chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm cho biết, khó khăn lớn nhất của nông dân nuôi cá tra hiện tại là đầu ra chưa được ổn định. Đến vụ thu hoạch cá thường do thương lái vào tận ao để mua rồi đưa đến các công ty chế biến thủy sản ở miền Tây (Cần Thơ, Long An...) và các chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, khả năng thu mua của thương lái cũng chỉ có giới hạn, do đó nông dân nuôi cá lâu nay vẫn còn loay hoay tìm đầu ra với các hợp đồng lớn, ổn định hơn cho sản phẩm của mình. Ông Cảnh cho biết, cá tra VietGAP ấp Vàm có khả năng cung cấp cá với số lượng lớn, do đó, người dân vẫn đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình để nâng cao năng suất, tăng sản lượng.  

Bà Phạm Thị Kiều Diễm, Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản, Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, Chi cục Thủy sản tỉnh đã khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng sinh trưởng và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi cá tra tại ấp Vàm, xã Thiện Tân nhằm giúp bà con tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản địa phương. Thời gian tới, chi cục tiếp tục hỗ trợ bà con áp dụng những hình thức nuôi cá khoa học, mang lại hiệu quả cao.

 (Theo báo Đồng Nai)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục