Đồng Tháp: Diện tích cá tra tăng 6,9% so với cùng kỳ

Theo số liệu thống kê đến ngày 16/6, diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp đạt 1.957,06 ha; sản lượng thu hoạch khoảng 265.177 tấn. Đánh giá chung, diện tích nuôi và sản lượng cá tra tăng của Đồng Tháp đều tăng so với cùng thời điểm năm ngoái.

Cụ thể, tổng diện tích thả nuôi cá tra của tỉnh đạt 1.960 ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 126 ha), chiếm 74,52% so với kế hoạch năm. Sản lượng cá tra của Đồng Tháp ước đạt 270.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 70.000 tấn), chiếm 50% kế hoạch năm.

Mặc dù diện tích nuôi trồng, sản lượng tăng, giá thành sản xuất tăng, tuy nhiên giá bán cá tra lại giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá sản xuất bình quân 27.741 đồng/kg (tăng 275 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân 27.767 đồng/kg (giảm 1.733 đồng/kg so cùng kỳ), lợi nhuận bình quân đạt 25 đồng/kg (giảm 2.008 đồng/kg so cùng kỳ). Sản lượng giống cá tra ước đạt 500 triệu con, giảm 5,66% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 30 triệu con), bằng 90,91% kế hoạch 6 tháng và chiếm 38,46% kế hoạch năm. Giá thành sản xuất bình quân là 28.622 đồng/kg (tăng 297 đồng/kg so với cùng kỳ); giá bán bình quân 34.133 đồng/kg (giảm 5.973 đồng/kg so với cùng kỳ), lợi nhuận bình quân 5.511 đồng/kg (giảm 6.271 đồng/kg so với cùng kỳ).

Chú thích ảnh

Để tránh lỗ, lãi thất thường cho người nuôi cá tra, tỉnh Đồng Tháp định hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất bền vững. Trong đó, tỉnh phấn đấu 70% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 90% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 30% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và 70 – 80% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.626 ha mặt nước. Trong đó, 83 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 648,35 ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242 ha.

Nhiều huyện trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, điển hình là tại huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành Hồng Ngự và Cao Lãnh. Các vùng sản xuất cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích hơn 1.509 ha; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế.

Đồng Tháp cũng đang chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình kỹ thuật nuôi công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn nhằm hạn chế thay nước ao nuôi ra môi trường bên ngoài, giảm thiểu dịch bệnh. Mô hình này được đánh giá phù hợp trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục