Một số biện pháp phòng bệnh thường gặp trên cá tra nuôi

Tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá. Sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh, chế phẩm tăng cường chức năng của gan, thận, đường ruột cho cá.

Một số biện pháp phòng bệnh thường gặp trên cá tra nuôi

Khuyến khích sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá

Cơ sở nuôi cá bố mẹ cần sử dụng nguồn nước qua lưới lọc hai lớp (kích cỡ mắt lưới 40µm). Nước đảm bảo chất lượng theo quy định. Mật độ nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản. Cá bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, đạt yêu cầu về chất lượng. Sử dụng thức ăn đủ lượng đạm theo nhu cầu ở từng giai đoạn phát triển của cá. Các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến phải được bảo quản tốt, tránh nhiễm nấm mốc và nhiễm khuẩn; thức ăn tươi sống phải được xử lý, đảm bảo không mang mầm bệnh.

Cơ sở sản xuất cá giống cần cải tạo ao và xử lý môi trường đúng quy trình kỹ thuật. Nước cấp vào ao đảm bảo chất lượng (cho qua lưới lọc hai lớp, kích cỡ mắt lưới 40 µm). Mật độ thả theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, chọn cá bột và cá hương khỏe, kích cỡ đồng đều. Thức ăn giai đoạn đầu (sau khi thả cá bột) là nguồn tự nhiên (luân trùng, moina,…); giai đoạn tiếp theo sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột, mảnh hay viên có kích thước phù hợp với cỡ miệng cá.  

Quản lý sức khỏe cá: Bổ sung các loại vitamin, khoáng,… để tăng sức đề kháng cho cá. Kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: hàm lượng ôxy hòa tan (hằng ngày); pH, độ kiềm (2 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/lần) để xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Thay nước phù hợp ở ao ương mỗi ngày. Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Biện pháp phòng bệnh đối với cơ sở nuôi cá tra thương phẩm

Nước xả, chất thải từ ao đang nuôi phải được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y bằng vôi bột, hóa chất được phép. Trường hợp ao xảy ra bệnh ở vụ trước, phải xử lý nước đảm bảo không còn mầm bệnh trước khi xả thải.

Chọn và thả giống cá tra giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng; mật độ thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản. Sử dụng thức ăn có các thành phần, kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá. Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y có thẩm quyền. Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi: DO (hằng ngày); pH, độ kiềm (2 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/lần). Không dùng chung dụng cụ giữa các ao, lồng, bể. Người làm việc tại cơ sở nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng khi vào, ra.

Giám sát dịch bệnh chủ động: Lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y; và định kỳ lấy mẫu cá để xét nghiệm xác định mầm bệnh ít nhất 1 lần/tháng/ao. Giám sát dịch bệnh bị động: Khi phát hiện cá bị bệnh, chết bất thường cần báo cho cơ quan thú y gần nhất; phối hợp với cán bộ thú y lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

(t/h)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục