Đồng Tháp hiện có 374 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, kết quả đối với một số đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực như sau: Tổng diện tích thả nuôi cá tra của tỉnh 9 tháng đầu năm nay đạt 2.300 ha, bằng 100,9% kế hoạch 9 tháng và chiếm 87,5% so kế hoạch năm. Giá thành sản xuất bình quân 27.225 đồng/kg (giảm 151 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân 27.333 đồng/kg (giảm 1.217 đồng/kg so cùng kỳ) và lợi nhuận bình quân đạt 109 đồng/kg (giảm 1.066 đồng/kg so cùng kỳ).

Chú thích ảnh

Tổng diện tích thả nuôi các loài thủy sản khác ước đạt 2.700 ha, bằng 97,5% kế hoạch 9 tháng và chiếm 83,9% kế hoạch năm. Giá thành sản xuất bình quân đối với cá lóc 36.725 đồng/kg (giảm 1.075 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân đạt 35.329 đồng/kg (giảm 11.934 đồng/kg so cùng kỳ), người nuôi bị lỗ 1.396 đồng/kg; sặc rằn có giá thành sản xuất bình quân đạt 53.567 đồng/kg (giảm 1.580 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán 56.643 đồng/kg (giảm 3.100 đồng/kg so cùng kỳ), lợi nhuận 2.175 đồng/kg (giảm 1.520 đồng/kg so cùng kỳ).

Số lượng lồng bè nuôi thủy sản ước đạt 5.220 chiếc, bằng 100,4% kế hoạch 9 tháng và chiếm 98,5% kế hoạch năm. Giá thành sản xuất bình quân cá điêu hồng 33.567 đồng/kg (giảm 3.354 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân đạt 35.429 đồng/kg (giảm 7.343 đồng/kg so cùng kỳ), lợi nhuận bình quân 1.862 đồng/kg.

Sản lượng giống cá tra ước đạt 980 triệu con, bằng 103,2% kế hoạch 9 tháng và chiếm 75,4% kế hoạch năm. Giá thành sản xuất bình quân là 28.709 đồng/kg (tăng 625 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân 28.709 đồng/kg (giảm 5.394 đồng/kg so cùng kỳ) và lợi nhuận bình quân 406 đồng/kg (giảm 6.017 đồng/kg so  cùng kỳ).

Toàn tỉnh hiện có 374 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623 ha mặt nước. Trong đó, có 85 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 663,85 ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242 ha.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của 3 tháng cuối năm nay, tiếp tục thực hiện các nội dung trong kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng cá tra năm 2024.

Về giải pháp trọng tâm, thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, cũng như các quy định của  các thị trường tiêu thụ.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất đầu vào như con giống, thức ăn; tăng cường công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; công tác quan trắc cảnh báo môi trường…

Phối hợp với Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II phân bổ đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ cho nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao.

Phối hợp với đơn vị tư vấn, các địa phương và các ngành có liên quan xây dựng phương án quản lý vùng nuôi cá tra và vùng nuôi cá lồng bè trên địa bàn Tỉnh trình UBND Tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư sản xuất.

(t/h)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục