Tiền Giang: Sản lượng thu hoạch cá tra năm 2024 đạt 103% kế hoạch

Năm 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu diện tích thả nuôi cá tra là 110 ha, mục tiêu sản lượng đạt 33.000 tấn.

Chú thích ảnh

Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, có nhiều lợi thế nuôi cá tra. Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất giống cá tra với khoảng 22.500 cá thể cá bố mẹ (có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II là 2.500 con) và 75 hộ/240 ha ương dưỡng cá tra giống. Năm 2024, địa phương sản xuất 4.280 triệu cá bột và ương dưỡng 352 triệu cá giống cung cấp cho nhu cầu ương dưỡng và nuôi cá tra thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 133,74 ha, trong đó vùng nuôi của công ty chế biến là 77 ha/5 công ty; diện tích của hộ cá thể là 56,74 ha/18 hộ, trong đó: có liên kết tiêu thụ với nhà máy chế biến là 25 ha/2 hộ; đang treo ao là 5,63 ha/5 hộ. Có 31,7 ha diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP và ASC.

Năm 2024, địa phương thả nuôi 110,4 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 33.070 tấn, đạt 103% so kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ năm trước.

Cá tra thương phẩm chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, thị trường xuất khẩu: EU, Trung Quốc, các nước trong khối ASEAN, Trung Đông và các thị trường lớn khác như Mỹ, Nga,…

Năm 2025, tỉnh phấn đấu sản xuất 4.000 triệu con cá tra bột, ương dưỡng 350 triệu con giống với diện tích thả nuôi là 110 ha và mục tiêu sản lượng đạt 33.000 tấn.

Để đạt được kết quả trên tỉnh tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, đảm bảo cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất.

Duy trì và phát triển nuôi cá tra trên cơ sở áp dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, trước hết là việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nuôi tốt (GAP, ASC, BAP) nhằm tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gắn phát triển nuôi với việc đảm bảo các quy định về điều kiện nuôi, chất lượng, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, người nuôi và doanh nghiệp chế biến.

Đồng thời, tạo liên kết sản xuất giữa vùng nuôi với cơ sở ương dưỡng giống thủy sản, hình thành chuỗi liên kết cung ứng con giống, từ đó hướng dẫn cơ sở thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

(t/h)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục