Chứng nhận ASC sẽ đưa nghêu Tiền Giang nâng tầm, vươn xa

311 ha nuôi nghêu ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã đạt chứng nhận quốc tế ASC. Đây là vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận quan trọng này...

Thu hoạch nghêu ở Gò Công Đông.

Thu hoạch nghêu ở Gò Công Đông.

Ngày 15/11/2023, tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, đã diễn ra Lễ trao chứng nhận và ký liên kết Chuỗi giá trị nghêu Tiền Giang. Chứng nhận ASC được trao cho vùng nuôi nghêu của Ban quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông.

Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.

Vùng nuôi nghêu thứ tư trên thế giới đạt chứng nhận ASC

Bà Trần Thị Bé Bảy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết nghề nuôi nghêu ở vùng ven biển tỉnh Tiền Giang có từ rất sớm, từ những năm 1990. Hiện tích sản xuất nghêu thương phẩm tại Tiền Giang đạt khoảng 2.300 ha, tập trung trên địa bàn 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, với sản lượng nghêu cung cấp cho thị trường hàng năm ước đạt trên 20.000 tấn.

Theo bà Bảy, nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Tuy có quá trình phát triển lâu dài nhưng nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông có nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh “suy thoái kinh tế toàn cầu”, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Trao giấy chứng nhận ASC cho nghêu Gò Công Đông.

Trao giấy chứng nhận ASC cho nghêu Gò Công Đông.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nghêu Tiền Giang, năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3652/QĐ-UBND về việc triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công, Tiền Giang theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)”.

Từ năm 2018, chương trình MSC nghêu tỉnh Tiền Giang tiếp tục được hỗ trợ bởi Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM tại Việt Nam thực hiện.

Sau thời gian dài nỗ lực, Vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) đánh giá vào ngày 30 và 31/8/2023 và được cấp Giấy chứng nhận ASC vào ngày 07/11/2023.

Vùng nuôi nghêu của Ban quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông đạt chứng nhận ASC, đã trở thành vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận ASC”, bà Trần Thị Bé Bảy thông tin.

Bà Lưu Thị Hồng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho hay, đến nay huyện có khoảng 2.200 ha diện tích nuôi nhuyễn thể chủ yếu là nghêu, sản lượng hàng năm khoảng 18.000 – 19.000 tấn thương phẩm, cung cấp cho thị trường chủ yếu là chợ đầu mối Bình Điền, một số thương lái tại địa phương và các điểm bán lẻ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Huyện đã xác định, nghêu là một trong đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá lớn cho ngư dân ở vùng ven biển Gò Công Đông, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là ngư dân nghèo thiếu đất sản xuất.

Bà Lưu Thị Hồng Anh , Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.

Bà Lưu Thị Hồng Anh , Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.

“Chúng tôi thống nhất lựa chọn xây dựng ASC cho vùng nghêu của Ban Quản lý cồn bãi với diện tích 311 ha. Với chứng nhận ASC, sản phẩm nghêu Gò Công Đông có điều kiện mở ra cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần quan trọng rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội, khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị trên thị trường. Đặc biệt, thúc đẩy nghề nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai”.

Tuy nhiên, trong những năm qua, nghề nghêu của huyện còn gặp không ít khó, khăn thách thức lớn do sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến, chưa liên kết thị trường tiêu thụ, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái.

Hơn nữa, đa phần hộ nuôi nghêu gặp khó khăn trong bán nghêu, bởi thương lái tại địa phương ít, nguồn vốn hạn hẹp, hạn chế đầu ra của thị trường tiêu thụ, ít doanh nghiệp xuất khẩu nghêu. Vì vậy, khi chuẩn bị vào giai đoạn nghêu đạt kích cỡ bán thì nghêu chết hàng loạt không xử lý được gây thiệt hại lớn cho người nuôi do không thu hồi vốn để tái sản xuất cho vụ nuôi tiếp theo.

Mặt khác, trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, độ mặn biến động mạnh… đã khiến nghêu nuôi có hiện tượng chết hàng loạt nhất là năm 2013 với trên 1.300 ha chết, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của địa phương.

Trong những năm 2017-2022, nghề nuôi nghêu vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi: gió thổi bất thường, độ mặn không ổn định, bùn lỏng nhiều, nhất là việc nghêu chết thường xuyên vào cuối mùa gió chướng do môi trường nước không tốt ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của nghêu nuôi.

"Người nuôi nghêu hiện nay thả nuôi mật độ thưa, can rãi thường xuyên, bắt địch hại nghêu nhiều, kích cỡ bán nhỏ nhưng vẫn không có lợi nhuận. Đồng thời những biến động về nguồn lợi nghêu bố mẹ/nghêu giống khiến cho việc áp dụng chứng nhận MSC gặp nhiều khó khăn", bà Lưu Thị Hồng Anh chia sẻ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao giá trị nghêu

Để phát triển nghêu Gò Công Đông, Bà Lưu Thị Hồng Anh cho rằng còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Đầu tiên, chúng tôi tập trung hỗ trợ cho Ban quản lý Cồn Bãi củng cố, duy trì và nâng cao các giá trị của nghêu. Tiếp đến, tăng cường công tác tuyên truyền để cho người dân nhận thức rõ lợi ích của việc xây dựng thương hiệu nghêu theo ASC hay các tiêu chuẩn chất lượng khác để đưa nghêu của toàn vùng biển Gò Công Đông với diện tích trên 2.200 ha đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới.

“Việc tuyên truyền hiệu quả nhất hiện nay là chúng ta làm sao cho vùng nuôi nghêu đạt tiêu chuẩn ASC phải đạt được hiệu quả về kinh tế so với vùng nuôi ngoài vùng ASC”, bà  Lưu Thị Hồng Anh nhấn mạnh.

 

Ông Đinh Xuân Lập: "Khi tuân thủ chứng nhận ASC cho sản xuất nghêu sẽ mang lại nhiều lợi ích".

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, cho biết Chứng nhận ASC là chứng nhận quốc tế, như là một tấm “thẻ thông hành” đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản…

Khi tuân thủ chứng nhận ASC cho sản xuất nghêu của tỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích: Nâng cao giá trị lợi nhuận nghêu khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tạo đà phát triển cho nghêu của tỉnh nâng cao năng xuất, chất lượng đảm bảo cung cấp cho thị trường  xuất khẩu.

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất như: môi trường nước, thức ăn trong quá trình ương nuôi nghêu giống, quy trình thu hoạch nghêu giống, nghêu thịt bằng phương tiện cơ giới, xử lý nghêu sạch trước khi bán ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm nghêu qua sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm nghêu đạt chất lượng, giá trị kinh tế cao.

"Thông qua quy trình kỹ thuật ASC, sẽ theo dõi quản lý được tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và công tác cảnh báo để người nuôi nghêu chọn thời điểm thả nuôi, kích cỡ nuôi, thu hoạch vụ nuôi cho thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Người nêu nghêu được tham gia tích cực vào quá trình xử lý rác thải bãi nuôi, nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý rác thải, chất thải độc hại vào môi trường; phục hồi hệ sinh thái biển qua việc quản lý phương tiện, ngư cụ khai thác gây cạn kiệt nguồn tài nguyên", ông Lập khẳng định.

Đồng thời, sẽ tăng cường phối kết hợp với tổ quản lý cộng đồng, Hội đồng đánh giá nhuyễn thể hai mãnh vỏ huyện và chính quyền địa phương để kiểm tra, quản lý, theo dõi nguồn nghêu giống, sò giống sinh sản tự nhiên theo quy định pháp luật nhằm gia tăng nguồn lợi tự nhiên để tái tạo nguồn tài nguyên thiên.

Theo VnEconomy

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục