Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác biển của tỉnh đạt trên 150 nghìn tấn (56,6% kế hoạch năm), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tàu cá hoạt động ở tuyến lộng gia tăng chuyến đánh bắt, nhờ đó sản lượng hải sản khai thác đạt cao hơn so cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt kết hợp đánh bắt xa bờ với đánh bắt ở tuyến lộng (gần bờ) để nâng cao giá trị kinh tế.
Quảng Ngãi có đội tàu cá với trên 4.200 chiếc, trong đó phần nhiều là tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Đây là đội tàu chuyên hoạt động đánh bắt hải sản ở vùng khơi. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt ở vùng khơi gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Trong khi đó, hoạt động đánh bắt ở tuyến lộng có thời gian đánh bắt ngắn, đa số các tàu chỉ đi và về trong ngày. Hải sản khai thác gần bờ giữ được độ tươi sống, nên giá bán thường cao hơn hải sản đánh bắt xa bờ.
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ngư dân trong tỉnh đã chuyển hướng đánh bắt.
Thực tiễn cho thấy, các mô hình đánh bắt hải sản ở cả tuyến lộng và xa bờ đem lại nhiều lợi ích như giảm cường lực tác động lên trữ lượng hải sản, giúp hải sản có thể tái tạo, phát triển. Đồng thời, đầu ra hải sản sau khai thác thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, việc sản xuất đa nghề, kiêm nghề của ngư dân còn giúp quá trình tái cơ cấu lại nghề cá được thuận lợi.
Tuy nhiên, thực tế không phải ngư dân nào cũng đủ điều kiện để sắm cả 2 chiếc tàu để vừa đánh bắt xa bờ, vừa đánh bắt gần bờ. Vì vậy, ngư dân rất cần chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt. Ngoài ra, ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho ngư dân.
(Tổng hợp)