Báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2024 ước đạt 329.000 tấn, riêng sản lượng cá tra đạt 112.860 tấn chiếm 31,3% so với tổng sản lượng nuôi của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, khoảng 95% các cơ sở nuôi cá tra do doanh nghiệp đầu tư và sản xuất theo chuỗi khép kín (ngoại trừ yếu tố đầu vào là con giống) tự chủ từ khâu con giống (có 2 doanh nghiệp), thức ăn đến nhà máy chế biến và xuất khẩu. Một số ít còn lại (5%) là các doanh nghiệp nuôi và có ký hợp đồng với doanh nghiệp chế biến.
Các cơ sở nuôi nuôi cá tra áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo các tiêu chuẩn GAP (Global.GAP, ASC, BAP,…), trên địa bàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn với tổng diện tích là 411 ha (chiếm gần 72% tổng diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh). 100% cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Toàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ và một số nước châu Á; Sản phẩm chế biến chủ yếu là thủy sản đông lạnh (cá tra Fillet) và một số sản phẩm giá trị gia tăng, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ tiên tiến đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU. Đồng thời đã được áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP và được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài HACCP, các nhà máy còn được chứng nhận các tiêu chuẩn như ISO, BRC, IFS, HALAL,…
Để nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển ổn định và bền vững, Sở NN&PTNT Bến Tre đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cá tra. Cụ thể:
– Về con giống: Khuyến khích cơ sở sản xuất giống áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất giống, mở rộng quy mô sản xuất, tăng công suất thiết kế, tạo nguồn giống bố mẹ chất lượng.
– Thích ứng biến đổi khí hậu: Đối với các vùng nuôi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tăng cao và sâu trong thời gian gần đây, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn khuyến cáo người nuôi thay đổi lịch thời vụ và nuôi 1 vụ trong năm (trước đây nuôi 1,5 vụ/năm) để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn;
– Hỗ trợ về rào cản kỹ thuật, thương mại: Tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan về quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra và xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật, thương mại sản phẩm cá tra.
(t/h)