(vasep.com.vn) Tính tới 15/11/2024, XK tôm Việt Nam sang EU đạt hơn 422 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu NK tôm Việt Nam của thị trường EU khá ổn định trong năm nay, tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4 năm nay.
XK sang 4 thị trường chính trong khối là Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số từ 11%-29%.
Thị hiếu tiêu dùng tôm ở EU tùy thuộc vào từng khu vực trong khối. Hầu hết người tiêu dùng châu Âu thích tôm bóc vỏ, bỏ đầu vì tiện lợi cho chế biến tại nhà và nhà hàng. Các sản phẩm tôm tẩm bột thường được tiêu thụ nhiều ở các thị trường như Anh, Đức, và Hà Lan. Tôm tươi thường được ưa chuộng ở các thị trường cao cấp như Pháp, Tây Ban Nha, và Ý, nơi có thói quen chế biến món ăn ngay tại nhà. Các sản phẩm tôm sú được tiêu thụ nhiều ở Pháp, Ý. Các thị trường như Đức và Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan..) đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm tôm có chứng nhận bền vững.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu đặt hàng tôm qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là các sản phẩm đông lạnh hoặc chế biến sẵn. Dịch vụ giao hàng nhanh và sản phẩm đóng gói phù hợp với thương mại điện tử là một lợi thế cạnh tranh.
Nam Âu là thị trường tôm lớn nhất châu Âu bao gồm các thị trường Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Mỗi thị trường nhỏ này đều có nhu cầu hải sản phong phú và lượng tôm nhập khẩu đã tăng vọt. Do đó, khu vực này mang đến nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất tôm muốn tăng lượng tôm xuất khẩu sang khu vực này.
Năm 2023, 5 quốc gia ở Nam Âu đã nhập khẩu 332.000 tấn tôm từ bên ngoài EU, giảm so với mức đỉnh điểm là 349.000 tấn vào năm 2021. Tôm Peneaus (HS03061792) chiếm 64% khối lượng. Các loài khác được báo cáo theo HS03061799, bao gồm tôm đỏ Argentina và tôm hồng châu Á, chiếm 31%. Tôm có giá trị gia tăng chỉ chiếm 3% khối lượng. Trong khi nhập khẩu các loài đánh bắt tự nhiên khác theo HS 03061799 giảm kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2021, thì nhập khẩu tôm Penaeus theo HS 03061792 lại tăng nhẹ.
Các quốc gia ở phía Nam Âu có văn hóa ăn tối ở ngoài và một ngành Horeca lớn phục vụ cho người dân địa phương và nhiều khách du lịch đến thăm khu vực này. Các nhà bán buôn thực phẩm lớn và các nhà bán buôn hải sản chuyên biệt cung cấp cho ngành HORECA. Tuy nhiên, hầu hết hải sản được bán thông qua bán lẻ. Các siêu thị và đại siêu thị hiện đại là những kênh bán lẻ lớn nhất, nhưng những người bán hải sản truyền thống cũng tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Trong khi ngành HORECA bị phân mảnh cao, kênh siêu thị tương đối hợp nhất.
EU hiện là thị trường NK tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tại thị trường này, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nặng ký đến từ châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Mỹ Latinh như Ecuador, Brazil. Điều này cho thấy tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu cao tại thị trường EU.
Với những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, thị trường EU đã trở thành một thước đo quan trọng cho năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Từ việc giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình nuôi, đến việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và phúc lợi động vật, mỗi con tôm xuất khẩu đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.