Vụ kiện cá tra, basa xảy ra vào cuối năm 2000, kết thúc vào ngày 24-7-2003, khi Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đưa ra phán quyết cuối cùng, khẳng định các doanh nghiệp chế biến cá tra, basa Việt Nam xuất hàng sang Hoa Kỳ bán phá giá, làm cho ngành công nghiệp cá nheo Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ kiện đã kết thúc cách đây 16 năm nhưng những gì rút ra từ vụ kiện này rất đáng để suy ngẫm.
Phát triển “nóng”
Nghề nuôi và chế biến cá tra, basa ở ĐBSCL phát triển khá sớm. Nghề này đã giải quyết cho 500.000 lao động của cả nước có việc làm ổn định, mang về cho đất nước mỗi năm trên 2 tỷ USD. Ngày nay, nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu trở thành một ngành hàng chủ lực của các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, TP. Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long… bởi tính chất và quy mô của nó. Ban đầu, ngư dân ở vùng ĐBSCL nuôi cá basa (bằng hình thức nuôi bè) để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và sản lượng xuất mỗi năm rất ít. Cụ thể, năm 1996, An Giang bắt đầu xuất khẩu container đầu tiên cá basa sang Hoa Kỳ, đến năm 1998 sản lượng cá basa xuất vào thị trường này đạt 260 tấn. Năm 2000, sản lượng cá tra, basa xuất khẩu vào thị trường này tăng lên 3.000 tấn/năm. Năm 2001, con số này khoảng 8.000 tấn. Sản phẩm cá tra, basa phi lê của Việt Nam được người tiêu dùng Hoa Kỳ đặc biệt ưa chuộng do chất lượng ngon, giá thành hạ.
Việc gia tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã làm cho các chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, tổng giá trị bán ra của cá nheo Hoa Kỳ bị sụt giảm từ 446 triệu USD (năm 2000) còn 385 triệu USD (năm 2001). Sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam thường có giá rẻ hơn từ 0,8-1 USD/pound (1 pound tương đương khoảng 0,454kg), từ đó đã nảy sinh vụ kiện. “Sự hợp tác giữa các nhà thủy sản Pháp với các giảng viên của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ năm 1998 đã thành công trong việc cho cá tra, basa sinh sản nhân tạo. Sự kiện này đã giúp nghề nuôi cá tra, basa tháo gỡ khó khăn về con giống, bởi trước đây con giống chủ yếu đánh bắt từ thiên nhiên. Cùng với đó, nông dân trong vùng nhanh chóng tiếp nhận các kỹ thuật tiên tiến trong việc cho cá ăn và quản lý chất lượng nước, từ đó chất lượng thịt cá được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp chế biến đã áp dụng các kỹ thuật phi lê từ một nhà nhập khẩu Úc và sử dụng các trang thiết bị được nhập từ Hoa Kỳ và các nước phát triển, nên chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã xuất vào thị trường Hoa Kỳ một lượng cá tra, basa rất lớn…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới nhớ lại.
Diễn biến vụ kiện
Trong những năm đó, khi Việt Nam gia nhập khối Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), thuế nhập khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ giảm xuống còn 4,4 cent/kg. Đây là cơ hội để sản phẩm cá tra, basa tiến thẳng vào thị trường “số 1 thế giới” với sản lượng lớn. Sự phát triển “quá nóng” đã đưa đến nhiều hệ lụy khó lường, buộc Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ (CFA) chính thức khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) vào ngày 28-6-2002. Lúc đó, CFA cáo buộc 53 doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, basa tại thị trường Hoa Kỳ. “Từ cuối năm 2000, CFA tung lên báo chí Hoa Kỳ những thông tin thất thiệt, bôi xấu hình ảnh cá tra, basa Việt Nam. Tháng 6-2001, Chủ tịch CFA gửi thư yêu cầu đến Tổng thống Bush đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đàm phán với Việt Nam một hiệp định riêng về catfish. Ngày 5-10-2001, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật HR.2964 chỉ cho phép sử dụng tên catfish cho riêng loài cá thuộc họ Ictaluridae (họ cá nheo Mỹ) và cuối cùng ngày 28-6-2002, CFA chính thức khởi kiện các doanh nghiệp chế biến bán phá giá cá tra, basa trên thị trường Hoa Kỳ”- ông Tới thông tin thêm.
Phát triển “nóng” luôn là câu chuyện mang tính thời sự trong nông nghiệp hiện nay, bởi sự phát triển “quá nóng” về diện tích, sản lượng đã làm cho thị trường rối loạn, đưa đến nhiều hệ lụy khác nhau. 16 năm trước có “cuộc chiến cá da trơn” thì 16 năm sau, do phát triển “quá nóng”, giờ đây giá cá tra thịt từ 36.000 đồng/kg còn 20.000 - 21.000 đồng/kg khiến nhiều hộ thua lỗ, phá sản do “cung vượt cầu”. Từ thực tế này, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần nhìn lại việc quy hoạch và quản lý quy hoạch của một ngành hàng mang tính chiến lược để có những bước đi vững chắc hơn. Một vấn đề đặc biệt quan trọng đó là sản xuất phải bắt đầu từ thị trường. Có thị trường mới tổ chức sản xuất. Nhà nước cần mạnh dạn trao việc quản lý ngành hàng cho hiệp hội, cho cộng đồng những người nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu; tiếp tục tạo thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với một ngành hàng… có vậy thì nghề nuôi và chế biến cá tra tại ĐBSCL mới có thể phát triển mang tính bền vững, tránh được tình trạng “thừa hàng, dội chợ” như hiện nay.
“Sự xuất hiện của sản phẩm cá da trơn giá rẻ từ Việt Nam đã khiến tổng giá trị catfish của các chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ giảm mạnh. CFA cho rằng, cá tra, basa nhập ồ ạt vào Hoa Kỳ làm cho giá cá nheo giảm, từ đó họ yêu cầu sản phẩm cá da trơn Việt Nam không được gọi là catfish, vì như vậy là vô hình chung “ăn theo” uy tín cá nheo Hoa Kỳ mà CFA đã mất nhiều năm và tiền bạc mới tạo dựng được” - Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Châu Phú Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.
(Theo báo An Giang)