Nghệ An: Xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

Cá rô phi đơn tính đực từ lâu được biết đến như là đối tượng nuôi xen ghép trong các thủy vực nước ngọt tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên do giá nguyên liệu đầu vào cao, thị trường tiêu thụ không ổn định nên phong trào nuôi cá rô phi chỉ dừng lại ở mức độ quảng canh cải tiến, nuôi xen ghép với các đối tượng cá truyền thống mè, trôi, trắm…

Năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã xây dựng mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô 03 ha tại hộ ông Nguyễn Đức Hoài (01 ha), ông Nguyễn Đức Lâm (01ha) và ông Dương Đăng Tiến (01ha) ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu.

Mô hình thả giống ngày 8/6/2018 với số lượng thả 90.000 con giống cỡ 4 - 5 cm/con, sử dụng thức ăn công nghiệp Deheus Hà Lan. Sau 05 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 85%, kích cỡ cá thương phẩm bình quân đạt 0,9 kg/con, với giá bán bình quân là 28.000 đồng/kg, các hộ thu về gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, khấu hao ao, lương công nhân...), lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Đây thực sự là nguồn thu không nhỏ đối với người dân nuôi các đối tượng cá truyền thống. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã mời Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) đánh giá và cấp chứng nhận cho các hộ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và kết nối với một số doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân.

Theo đánh giá ban đầu, giống cá rô phi đơn tính đực được chọn nuôi tại các điểm mô hình rất phù hợp với điều kiện khí hậu của Nghệ An. Tốc độ tăng trưởng bình quân 0,9 kg/con sau 05 tháng nuôi, cá biệt hộ ông Nguyễn Đức Hoài, cỡ cá thương phẩm có con đạt 1,2 kg/con - là tốc độ tăng trưởng tương đối lý tưởng.

Vui mừng trước thành quả đạt được, ông Nguyễn Đức Hoài chia sẻ: “Có được kết quả trên là nhờ trong suốt quá trình nuôi, tôi luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chọn cá giống, đến chăm sóc, cho ăn hàng ngày. Đặc biệt trong các tháng 6,7 của năm nay, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngày nắng, đêm mưa kéo dài, tôi đã dùng một số chế phẩm vi sinh như: Biofloc EM, Super litfe, lasandin để ổn định môi trường nước ao nuôi; Đồng thời dùng một số men vi sinh đường ruột và vitamin như: men tiêu hóa Enzyme Max, Super Health… để trộn cho cá ăn. Do vậy, mặc dù trên địa bàn tỉnh một số nơi có hiện tượng cá chết nhưng ao nuôi của tôi cá vẫn sinh trưởng phát triển bình thường”.

Ông Nguyễn Đức Hoài cũng cho biết thêm với việc thực hiện theo VietGAP đã giúp ông tổng hợp số liệu ghi chép một cách chi tiết để làm cơ sở cho việc rút kinh nghiệm các vụ nuôi tiếp theo. Thu nhập từ nuôi cá mặc dù không bằng nuôi tôm (nếu thành công) nhưng ông vẫn tiếp tục nhân rộng trên diện tích 06 ha của mình và chia sẻ kinh nghiệm với những hộ dân quanh vùng để cùng phát triển bởi nuôi đối tượng này.

 

Lãnh đạo TTKN Nghệ An kiểm tra mô hình

(Theo KNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục