Làm sao khai thác lợi thế cá tra?

Đó là vấn đề được các tỉnh ĐBSCL đặc biệt quan tâm tại hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại An Giang. Với điều kiện sản xuất lý tưởng, giá trị dinh dưỡng cao, gần như độc quyền trên thị trường thế giới, nếu khai thác tốt, con cá tra sẽ đem lại giá trị rất lớn.

Loài cá “đi trước về sau”

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nói như thế về cá tra Việt Nam. “Từ sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995), rồi gia nhập WTO (2007), cá tra Việt Nam có điều kiện đi khắp thế giới. Cá tra là sản phẩm đầu tiên cán mức kim ngạch 1 tỷ USD trong các loại nông sản của Việt Nam. Lẽ ra, trong điều kiện có thêm 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì giá trị con cá tra phải càng được phát huy nhưng ngược lại, sản xuất cá tra hiện nay hiệu quả không cao, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều loại nông sản khác đi sau nhưng bứt phá vươn lên. Điển hình như xuất khẩu rau, quả năm 2016 có thể đạt 2,6 tỷ USD” - ông Cường phân tích.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, cao hơn năm 2015, cho thấy sự phục hồi và cải thiện của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. “Tuy nhiên, những bất cập trong xuất khẩu cá tra hiện nay là khó chấp nhận được bởi cá tra gần như là sản phẩm “một mình một chợ” của Việt Nam (chiếm 95% thị phần thế giới), điều kiện sản xuất, truyền thống và kinh nghiệm của người nuôi đều rất tốt. Chúng ta độc quyền về sản phẩm nhưng giá bán lại phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu, để họ ép giá mình” - ông Cường đặt vấn đề. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh băn khoăn: “Nhờ lượng nước ngọt dồi dào của sông Tiền và sông Hậu, điều kiện nuôi cá tra ở An Giang rất tốt. Thực tế, con cá tra đã từng giúp nhiều hộ dân, doanh nghiệp làm giàu, tạo rất nhiều việc làm cho lao động. Tiềm năng, lợi thế sản xuất cá tra ở An Giang còn rất lớn nhưng thực tế lại đang gặp nhiều khó khăn”.

An Giang đăng cai xây dựng trung tâm giống cá tra

Là một người dành nhiều tâm huyết vực dậy lợi thế ngành cá tra, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư cho rằng, nếu quyết tâm chọn giải pháp đúng, con cá tra có thể trở lại thời hoàng kim. “Trên thế giới, không có ngành chăn nuôi nào buông lỏng con giống mà phát triển được. Nhà nước cần tham gia vào khâu chọn giống cá tra, An Giang xin đăng cai khâu nhân giống với sự hỗ trợ của các viện, trường, tổ chức quốc tế, sau đó chuyển giao đàn cá bố mẹ cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất giống theo hướng xã hội hóa. Chúng tôi đang phối hợp căn cơ với Tập đoàn Hùng Vương trong sản xuất heo giống chất lượng cao. Đối với cá tra, nếu có chủ trương, cơ chế, An Giang có thể làm được” - ông Thư nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết thêm, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần giảm chi phí nuôi bằng cách nhân rộng chuỗi liên kết theo hình thức “tín dụng một đầu mối” như mô hình thí điểm đã thực hiện. Theo đó, ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp theo hình thức thế chấp tài sản hình thành trên vốn vay, cho nông dân tham gia chuỗi liên kết vay vốn nhưng không đưa tiền mặt mà chuyển trả chi phí mua thức ăn, con giống, thuốc phòng trị bệnh với giá gốc. Sau khi nông dân bán cá cho doanh nghiệp theo hợp đồng, ngân hàng tự trừ phần vốn và lãi vay, chuyển lợi nhuận vào tài khoản cho người nuôi. “Khi xác định cá tra là sản phẩm chủ lực của quốc gia thì cần có đề án phát triển và quy chuẩn chất lượng rõ ràng. Doanh nghiệp nào liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tốt, chế biến đạt quy chuẩn thì được dán nhãn quy chuẩn cá tra Việt Nam, tạo dựng uy tín, niềm tin lâu dài với đối tác nhập khẩu. Nếu không quan tâm điều này, doanh nghiệp cứ cạnh tranh tự hạ giá bán, kéo theo chất lượng giảm, uy tín cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng” - ông Thư nhấn mạnh.

Đang hợp tác khá hiệu quả với An Giang về quy trình sản xuất heo giống bài bản, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Vương, cho biết, sẵn sàng hỗ trợ An Giang thí điểm xây dựng trung tâm sản xuất cá tra giống. “Để tạo ra sản phẩm cá tra đạt chất lượng, cần giống tốt và chất lượng thức ăn tốt. Về khâu thức ăn, Hùng Vương đang đẩy mạnh sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu nước ngoài, giảm giá thành đầu vào cho người nuôi. Chúng tôi cũng đã bàn bạc với An Giang sẽ thí điểm liên kết sản xuất 50.000 tấn cá với nông dân mà không cần vay vốn ngân hàng. Hùng Vương sẽ cung cấp thức ăn và mua lại sản phẩm. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng nhân rộng” - Chủ tịch Tập đoàn Hùng Vương gợi mở một phần lối ra cho bài toán con cá tra.

“Nếu tất cả chúng ta, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi cùng quyết tâm hành động, tôi tin rằng, con cá tra sẽ phát huy vai trò trụ cột đúng nghĩa, đem lại giá trị cao nhất cho đất nước” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng.

Báo An Giang

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục