Giá cá nguyên liệu đang giảm mạnh, chất lượng con giống giảm sút, Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường thế giới... đang là những thách thức không dễ vượt qua của ngành cá tra
Ngày 11/12, tại Đồng Tháp, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức diễn đàn "Nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới".
Diện tích nuôi mới và sản lượng giảm
Việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang trong giai đoạn rất khó khăn do giá cá nguyên liệu sụt giảm và ở mức rất thấp. Theo báo cáo của Vinapa, năm 2019, diện tích nuôi mới và sản lượng thu hoạch cá tra giảm so với cùng kỳ năm 2018. Ước sản lượng năm 2019 đạt 1,23 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018. Sản lượng giảm nhưng giá cá tra nguyên liệu biến động ở mức thấp vào cuối năm. Nếu năm 2018, giá cá nguyên liệu ở mức cao nhất là 36.000 đồng/kg thì đến đầu năm 2019, giá cao nhất chỉ còn 31.000 đồng/kg; đến tháng 2 bắt đầu giảm dần và hiện chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg.
Giá cá nguyên liệu giảm mạnh khiến người nuôi không dám đầu tư vụ mới dẫn đến giá cá giống cũng giảm theo. Năm 2019, giá cá giống ở mức cao vào đầu năm nhưng đến tháng 3 giảm còn 30.000 đồng/kg, hiện nay chỉ ở quanh mức 26.000 đồng/kg.
Ông Trần Công Minh - người có thâm niên nuôi cá tra hơn 15 năm qua ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - thừa nhận giá cá tra đang rớt thê thảm trong khi năm mới đang đến gần khiến người nuôi đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha nuôi cá tra, sản lượng hằng năm đạt 100.000 tấn. Đồng Tháp cũng là địa phương sản xuất nhiều cá tra giống, mỗi năm cung cấp khoảng 25 tỉ con cá bột và khoảng 1,7 tỉ con cá giống cho cả ĐBSCL. Tuy nhiên, ngành cá tra hiện phát triển chưa bền vững nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất cá giống lẫn cá nguyên liệu của tỉnh. Trong khi nguồn cung không còn độc quyền của Việt Nam, gần đây một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu phát triển và đã có thành công trong việc nuôi cá tra. Do vậy, ngành cá tra Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, không dễ vượt qua.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2019 ước đạt 2 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu thị trường cũng thay đổi khi giảm sản lượng ở Mỹ, EU nhưng tăng ở Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Thị trường Mỹ từ đứng đầu về thị phần nay xuống vị trí thứ 2, chiếm khoảng 14,2% tổng lượng xuất khẩu. Nguyên nhân do tác động của kết quả chống bán phá giá POR14. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9-2018. Mới đây, DOC thông báo quyết định mức thuế sơ bộ cho POR15 là 0 USD/kg, thuế suất toàn quốc vẫn là 2,39 USD/kg. Con số này thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó là POR14 với mức thuế 1,37-2,39 USD/kg.
Trung Quốc đang giữ vị trí số 1 nhập khấu cá tra từ Việt Nam nhưng lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro, là điểm nóng của thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Gần đây, thị trường này cũng khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cá tra xuất sang đây phải theo những tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ và EU…
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa, đánh giá một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam là do chất lượng giống ngày càng giảm khiến tỉ lệ hao hụt cao ở giai đoạn nuôi thương phẩm nên hiệu quả sản xuất thấp.
Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết tỉnh rất quan tâm vấn đề cấp mã nhận diện vùng nuôi và bảo vệ môi trường là thông điệp hướng đến để doanh nghiệp và các địa phương nâng cao chất lượng.
Trong khi đó, Vinapa đề xuất tăng cường cải thiện chất lượng của ngành cá tra về giống, cá nguyên liệu, quy trình chế biến, chú trọng vấn đề môi trường; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới thông qua xúc tiến tiêu thụ thương mại điện tử; giao dịch thủy sản và thực phẩm.
8 giải pháp thích ứng với thị trường thế giới
Theo Vinapa, để phát triển bền vững và thích ứng với thị trường thế giới, ngành cá tra của Việt Nam cần thực hiện tốt 8 giải pháp: Tuân thủ các điều kiện trong nuôi và chế biến sản phẩm theo Nghị định 55 của Chính phủ; từng ao nuôi cá tra được cấp mã số nhận biết; áp dụng các tiêu chuẩn trong nuôi như GlobalGAP, ASC, BAP, VietGAP; thực hiện theo các quy định của Cục Thú y về việc giám sát bệnh theo kế hoạch cho nguyên liệu đầu vào; tổ chức đào tạo và nâng cao trình độ sản xuất cho lực lượng lao động kỹ thuật; thực hiện theo Đạo luật FarmBill (Mỹ) cũng là cách để cải thiện chất lượng nuôi, chế biến và giám sát an toàn thực phẩm; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất cá giống, nuôi trồng, thức ăn; tiếp tục triển khai thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp.
|
(Theo NLĐ)