Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy đã ra đời để giải quyết câu chuyện đào tạo nghề nuôi cá một cách bài bản, qua đó dần nâng chuẩn chất lượng con cá tra.
Trong lớp đào tạo nghề nuôi cá tra, xen kẽ giữa những học viên là nông dân còn có các kỹ thuật viên của công ty xuất khẩu. Dù được đào tạo nghề trước đó và đã thực hành liên tục với cả người nuôi, việc bổ sung kiến thức trong những giáo trình cập nhật không bao giờ là thừa.
Với sự hỗ trợ của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), trong 2 năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM đã mở được các lớp học ở vùng ĐBSCL với tổng số học viên trên 350 người. Kết thúc mỗi khóa học, không chỉ là một tấm bằng cho mỗi học viên, hiệu quả được thể hiện ở việc những người trong chuỗi liên kết cá tra từ người ương cá giống đến nuôi thương phẩm, kỹ thuật viên công ty xuất khẩu… đang dần chỉnh sửa cách làm khoa học hơn, nâng chuẩn chất lượng con cá "vàng" của Việt Nam.
Giá cá tra của Việt Nam luôn bấp bênh, nếu vào năm 2018 giá đạt đỉnh, năm nay tình hình xuất khẩu lại ảm đảm. Một trong các nguyên nhân ngành cá tra nước ta bị vướng nhiều nhất chính là hàng rào kỹ thuật. Những người nằm trong chuỗi sản xuất cá chưa có nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật. Khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, hơn 60% lao động tại nhiều nhà máy, cơ sở chế biến, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản thiếu chuyên môn kỹ thuật.
(Theo VTV)