Một trong những lý do cá tra chưa được tiêu dùng phổ biến tại thị trường nội địa, là do chưa hình thành được mạng lưới phân phối và điểm bán phổ biến.
Hiện nay, xuất khẩu chính ngạch cá tra của Việt Nam qua hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, vượt hơn 2 tỷ USD/năm (chưa tính những kênh xuất khẩu khác).
Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, cá tra lại chưa chiếm thị phần lớn và chưa được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây là thông tin cho biết tại buổi Tọa đàm từ công thức dinh dưỡng mới đến việc đưa cá tra vào bữa ăn cho người Việt do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/12.
Cụ thể, ông Chiêm Thành Long, Tổng giám đốc Khu du lịch Bình Quới, cho biết khi đưa cá tra vào nhà hàng, khách sạn, mặc dù đã chế biến bằng nhiều phương khác nhau và đa dạng thực đơn ẩm thực, nhưng thực khách vẫn e ngại.
Bên cạnh đó, một trong những lý do cá tra chưa được tiêu dùng phổ biến tại thị trường nội địa, là do chưa hình thành được mạng lưới phân phối và điểm bán phổ biến.
“Điều này dẫn đến tình trạng, các nhà hàng, khách sạn muốn lấy hàng thì phải đến tận vùng nuôi; hoặc liên kết với đơn vị sản xuất, nuôi trồng nhưng phải tiêu thụ với số lượng lớn. Chính vì vậy, quan trọng nhất là làm sao xây dựng được kênh phân phối để cá tra đến tay người tiêu dùng nội địa,” ông Chiêm Thành Long cho biết thêm.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May cho hay, những sản phẩm chủ lực tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có thể kể đến là gạo, cá tra…
Tuy nhiên, riêng cá tra hiện vẫn thiếu kênh phân phối nội địa và mạng lưới chợ truyền thống tại những thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, sản phẩm cá tra hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.
Hiện, thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục thị trường nội địa là do thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng cá cá tra tại thị trường trong nước.
Ông Phạm Bửu Việt, đại diện đơn vị kinh doanh Ẩm thực ven sông tại Cần Thơ cho biết, cá tra đã chứng tỏ được giá trị dinh dưỡng và ngon từ lâu nhưng người tiêu dùng chưa ưa chuộng do thiếu hoạt động tuyên truyền, phổ biến.
Trước đây, cá tra cũng là một trong những loại cá vào dịp đám tiệc mới được dùng đãi khách. Mặc dù vậy, tâm lý người dân Việt Nam hiện nay ăn cá nhưng không phải ai cũng nhận biết dinh dưỡng của từng loại.
Trên thực tế, thị trường Mỹ, Nhật… ưa chuộng cá tra không nằm ngoài nguyên nhân giá trị dinh dưỡng của loại cá này cao và là nguồn thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người.
Để cá tra tiếp cận được người tiêu dùng Việt và tăng thị phần ở thị trường nội địa, một số chuyên gia cho rằng, cần đưa cá tra lên bàn ăn người dân, du khách bằng cách đa dạng phương thức chế biến, quảng bá, tạo ấn tượng…
Ngoài ra, thúc đẩy các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng cá tra tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm ẩm thực từ cá tra, nhất là phục vụ bữa cơm gia đình; đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ thuật chế biến, sử dụng gia vị… song song với nâng cao nhận thức về giá trị dinh dưỡng của cá tra.
(Theo TTXVN)