Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng chậm trong tháng 2

(vasep.com.vn) Tháng 2/2019, XK cá ngừ của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 39 triệu USD. XK sang các thị trường chính có nhiều biến động. Một trong những nguyên nhân chính là do DN bị vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn đến thiếu nguyên liệu, sản xuất bị đình trệ và XK giảm tại một số thị trường.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, XK cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam giảm so với cùng kỳ, trong khi XK cá ngừ tươi sống đông lạnh tăng. Hiện duy nhất mặt thăn philê cá ngừ đông lạnh có xu hướng tăng so với cùng kỳ, gần 45%.

Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam không thay đổi, vẫn là sự góp mặt của Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và Mexico. Mở đầu năm nay, đáng chú ý, XK cá ngừ sang Trung Quốc, Mexico đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 3 con số. Trong khi XK cá ngừ sang EU và Israel lại giảm.

Mỹ

XK cá ngừ sang Mỹ trong tháng 2 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt. Giá trị XK cá ngừ sang đây trong tháng 2 đạt hơn 16 triệu USD, tăng 31% so với tháng 2/2018, nâng tổng giá trị XK trong 2 tháng đầu năm lên gần 39 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ. Theo các DN, do giá cá ngừ tại Manta tăng cao, cộng với những e ngại về việc tăng thuế do cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nên các nhà NK Mỹ đã tăng cường các đơn đặt hàng từ Việt Nam.

EU

Liên tục trong 2 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm.  Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 2 chỉ đạt gần 4,4 triệu USD, giảm 55% so với tháng 2/2018. Chính vì thế mà XK cá ngừ của Việt Nam sang EU trong 2 tháng đầu năm cũng giảm 26%, đạt gần 16 triệu USD.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thời gian nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc do những lô hàng NK vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của TT36/2018. Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2019, TT21/2018 đã có hiệu lực nhưng cho tới tháng 3/2019 vẫn chưa có cảng cá nào được các Sở NN&PTNT đánh giá là đạt chuẩn hay không và danh sách cảng cá được chỉ định “có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác” cũng chưa được Bộ NN&PTNT ban hành. DN chế biến cá ngừ không đủ nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng XK sang EU.

Hiện Hà Lan, Đức và Bỉ đang là 3 thị trường NK chính cá ngừ của Việt Nam. Trong đó, chỉ duy nhất có Hà Lan tăng NK cá ngừ của Việt Nam, XK sang 2 thị trường chính còn lại giảm.

ASEAN

Sau sự sụt giảm trong tháng 1, XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 2 khả quan hơn với sự tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, đạt 2,7 triệu USD. Tính tổng 2 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đạt gần 9,2 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do, Thái Lan tăng cường NK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 2.

Nhật Bản

XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tiếp tục ảm đạm. Giá trị XK cá ngừ sang thị trường này giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm nay. Theo số liệu thống kê của hải quan, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt gần 1,7 triệu USD, giảm 19% so với tháng 1/2018, nâng tổng giá trị XK trong 2 tháng đầu năm lên gần 3,4 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ.

Hiện tại, ngành thủy sản Nhật Bản đang phải đối mặt với xu hướng tiêu thụ giảm trong dài hạn do giới trẻ thích mua thịt hoặc các loài thủy sản giá rẻ hơn. Việc thay đổi nhu cầu tiêu dùng của Nhật Bản đã thực sự ảnh hưởng tới NK cá ngừ của nước này. Cá ngừ có giá cao hơn đáng kể so với thịt. Hầu hết các người trẻ cũng thích mua cá thu, cả dạng tươi và đóng hợp, vì chúng rẻ hơn cá ngừ. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục